Cấm khoai tây Trung Quốc vào chợ Đà Lạt: “Không thể dùng biện pháp cảm tính”

Mai Hương - Thanh Xuân (ghi) Thứ tư, ngày 28/10/2015 08:53 AM (GMT+7)
Xung quanh thông tin UBND TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng ra lệnh cấm không được đưa khoai tây Trung Quốc vào chợ đầu mối nông sản của địa phương này từ ngày 20.10, báo NTNN nhận được nhiều ý kiến bày tỏ quan điểm.
Bình luận 0

Ông Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam phân tích: Xét về Luật Bảo vệ người tiêu dùng, luật pháp về mua bán hàng hóa quy định trong Luật Thương mại thì ai làm sai, gian dối xuất xứ hàng hóa sẽ bị xử lý. Thậm chí, trong Luật Cạnh tranh cũng quy định rõ người bán phải nói đúng xuất xứ hàng hóa, nói sai sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí khởi tố nếu có dấu hiệu hình sự hoặc gây hậu quả nghiêm trọng…

img

Một điểm kinh doanh khoai tây Trung Quốc tại chợ đầu mối nông sản Đà Lạt trước thời điểm 20.10.  Ảnh:  KHẮC LỊCH

Từ phân tích đó, ông Huỳnh đặt vấn đề: Việc UBND TP.Đà Lạt cấm khoai tây Trung Quốc vào chợ thì căn cứ pháp lý nào? “Làm sao anh có thể không cho khoai tây Trung Quốc vào chợ khi nhà nhập khẩu sản phẩm này nộp thuế đầy đủ, làm đúng các nghĩa vụ và khai báo đúng xuất xứ hàng hóa khi nhập khẩu. Chỉ khi họ khai báo sai xuất xứ, không làm đủ các nghĩa vụ thuế phí thì khoai tây Trung Quốc sẽ bị tịch thu ngay, không cho vào chợ” - ông Huỳnh nhấn mạnh.

Theo ông Huỳnh, câu chuyện ở đây là gian dối của người bán hàng khi để khoai tây Trung Quốc “đội lốt”  khoai Đà Lạt thì thì chúng ta phải có các cơ chế kiểm tra, xử lý vi phạm khác đúng với quy định của pháp luật. Nếu cấm khoai tây Trung Quốc, tương tự là nhiều loại trái cây, rau củ, quần áo, hàng hóa tiêu dùng của Trung Quốc vào nội địa rồi giả mạo là hàng hóa trong nước thì chúng ta cũng áp dụng lệnh cấm hết?! “Bảo vệ thị trường trong nước là hoàn toàn đúng nhưng không thể bằng cách cấm hành chính và cảm tính” - ông Huỳnh chốt lại vấn đề.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trong Thừa – Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết, khi tham gia WTO, các nước đều đã có cam kết mở cửa thị trường nông sản cho các hàng hóa của các nước thành viên (mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của WTO). Để bảo hộ ở mức nhất định nền nông nghiệp nội địa trước sức cạnh tranh từ hàng hóa nhập khẩu, các nước thành viên chỉ có thể sử dụng 2 nhóm biện pháp là: Biện pháp thuế và các biện pháp phi thuế (bao gồm các biện pháp kiểm dịch động thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm - SPS, biện pháp hạn chế định lượng nhập khẩu như cấm nhập khẩu, giấy phép nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, các biện pháp quản lý xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng quản lý chuyên ngành nông nghiệp…). 

Ông Thừa cho hay, khoai tây là mặt hàng không nằm trong danh mục hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành nông nghiệp. Hiện chưa có quy định cụ thể về SPS đối với mặt hàng khoai tây nhập khẩu; hơn nữa, việc áp dụng các biện pháp SPS cũng phải tuân thủ nguyên tắc: Chỉ được áp dụng ở mức cần thiết để bảo vệ cuộc sống hoặc sức khỏe con người, động thực vật và phải căn cứ vào các nguyên tắc khoa học và không tạo ra sự phân biệt đối xử một cách tùy tiện, không có căn cứ hoặc gây ra cản trở trá hình đối với thương mại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem