Năm 2005, bà Trần Thị Lệ (54 tuổi) ở xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) bắt đầu nuôi heo với quy mô nhỏ, chỉ 50 - 70 con. Sau nhiều năm chăm chỉ làm lụng, cần mẫn tích lũy, đến năm 2018 bà Lệ quyết định mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi trên diện tích 1.200m2 tại xã Phước Hưng (huyện Tuy Phước), tăng đàn heo thịt lên 400 con và áp dụng các quy trình chăn nuôi heo an toàn sinh học.
Theo đó, 2 dãy chuồng nuôi heo của gia đình bà Trần Thị Lệ được xây dựng rất kiên cố, thoáng mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, đàn heo được trang bị bể tắm, máng ăn uống tự động.
Nhờ tuân thủ các phương pháp nuôi heo an toàn, cấm “người lạ” xâm nhập chuồng trại... đã giúp đàn heo của bà Trần Thị Lệ luôn khoẻ mạnh, không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi.
Điều khá đặc biệt là trang trại nuôi heo của bà Lệ nằm cách xa khu dân cư và các trang trại chăn nuôi khác nên hạn chế bị lây lan khi có dịch bệnh xảy ra. Cụ thể là trong năm 2019, dù dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi ở tỉnh Bình Định nhưng trang trại nuôi heo của bà Lệ vẫn an toàn tuyệt đối, heo lớn nhanh khoẻ mạnh. Trong năm 2019, bà Lệ xuất bán ra thị trường khoảng 800 con heo thịt, cho khoản lợi nhuận lên tới cả tỷ đồng.
“Để có đàn heo khỏe mạnh, trước tiên con giống phải đảm bảo an toàn dịch bệnh nên tôi chỉ chọn mua giống ở những trang trại chuyên sản xuất heo giống quy mô lớn, nuôi theo hướng an toàn sinh học. Tất cả heo giống đều được họ xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi, heo sạch bệnh họ mới bán nên người nuôi rất yên tâm”, bà Lệ chia sẻ.
Bà Lệ cho biết, trong quá trình nuôi heo, công tác phòng dịch phải được thực hiện chặt chẽ. Lối đi vào khu nuôi heo được rắc vôi bột hàng ngày, chuồng trại được làm vệ sinh thường xuyên, mỗi tuần được phun thuốc sát trùng 1 lần. Ngoài ra, bà Lệ tuyệt đối không để người lạ đi vào khu vực chuồng trại, chỉ nhân viên làm việc trong trang trại mới được ra vào để chăm sóc heo.
Ngoài việc nuôi heo ở khu chuồng trại khép kín của gia đình, bà Lệ còn hợp tác với các hộ dân xung quanh.
Theo bà Lệ, do giá heo giống hiện quá đắt, một con heo giống có trọng lượng chỉ 13kg giá lên đến 2,3 triệu đồng nên các hộ chăn nuôi trong vùng hầu như không có khả năng tái đàn. Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp, có thể tái bùng phát bất cứ lúc nào nên ngành chức năng địa phương đã khuyến cáo nông dân không được tái đàn kiểu bất chấp, không đảm bảo an toàn dịch bệnh, do đó nhiều chuồng trại nuôi heo của nhiều hộ dân ở địa phương vẫn đang bị bỏ trống.
Thấy vậy, bà Lệ đã hợp tác với nông dân theo kiểu “nuôi heo trả công”. Bà mua heo giống bỏ vào chuồng của các hộ dân lân cận rồi cung ứng thức ăn và chịu trách nhiệm về thú y, cũng như các giải pháp an toàn dịch bệnh.
“Sau khi xuất bán heo, tôi trả công cho người nuôi 200.000 đồng/con, nếu có lãi nhiều tôi sẽ tặng thưởng thêm mỗi người nuôi 2 - 3 triệu đồng”, bà Lệ vui vẻ cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.