Phạt “thẻ đỏ”
Chồng chị Nguyễn Thị Lan (Hà Nam) khá gia trưởng, nóng tính. Anh cũng thường có hành động cục cằn, thô lỗ, nóng lên là đập phá đồ đạc khiến nhiều phen vợ con kinh hoàng bạt vía. Anh hầu như cũng không nghe lời vợ khuyên can, tâm sự.
Lạm dụng cấm vận tình dục sẽ lợi bất cập hại (ảnh minh họa)
Chị có vòng vo phân tích thiệt hơn thì anh đều gạt đi “đàn bà biết gì”. Mọi việc trong nhà chồng chị đều quyết cả. Điều mà chị Lan còn cảm thấy mình còn có tí “oai phong” là lúc… trên giường. Sau vài lần giận dỗi không cho chồng động vào người, thấy chồng cuống quýt “xin xỏ”, chị Lan coi đó như “vũ khí” để chống lại chồng.
Nếu anh nóng nảy khiến chị sợ hãi hoặc không nghe ý kiến của mình, chị Lan đều “phạt thẻ đỏ”, “cấm vận” từ vài ngày tới vài tuần.
Nghiên cứu các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ISDS nghiên cứu từ 2012-2015 trên 8.500 người cả nam và nữ cho thấy, 44,85% phụ nữ và 41,5% nam giới cho biết họ đã từng trải qua ít nhất một trong những dạng bạo hành thể chất và tinh thần trong 12 tháng qua.
Trong đó, loại bạo lực gia đình (BLGĐ) mà phụ nữ thường gặp phải là bạo lực thể chất (bị chồng đánh đấm, xúc phạm, đuổi khỏi nhà, đe doạ ly dị, ngăn cấm đi làm, ép quan hệ tình dục, ngoại tình…) còn hai dạng bạo lực thường xảy ra với nam giới là phong toả tài chính và cấm vận tình dục.
Trong cuộc thảo luận của nhóm nam giới trong nghiên cứu, anh Trần V.H (TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi đã làm việc với những người ở khu vực có nhiều người làm nghề bán hàng rong. Tôi thấy tình dục có thể là “chiến lược” của phụ nữ để thương thảo với chồng. Có ngày tôi nghe thấy vợ chồng chủ tiệm bán hủ tiếu trao đổi. Anh chồng làm gì đó khiến vợ không vui. Chị vợ liền quát chồng: “Tối nay đừng có mà đụng vào tôi”. Có nhiều người phụ nữ như chị ấy, sử dụng “cấm vận” kiểu đó là cách duy nhất mà họ có thể dùng để gữ được quyền hạn của họ đối với chồng mình”. “Điều này chỉ thể hiện sự bất lực, yếu thế của phụ nữ khi phải chống lại các thói gia trưởng, nóng giận của chồng” – bà Hoàng Tú Anh – Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khoẻ dân số CCIHP thừa nhận.
“Giăng lưới”
"Lạm dụng “cấm vận tình dục” lợi bất cập hại vì sẽ khiến các ông chồng tự ái vì phải “xin xỏ” để được yêu vợ. Lâu dần họ sẽ chán và thấy bị xúc phạm. Lấy “tình dục” để làm thước đo quyền lực, khi chồng chán thì phụ nữ sẽ cảm thấy “vô giá trị”, lúc đó lại tìm cách phục hồi “quyền lực”, giá trị của mình e đã muộn” .
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hoà
|
Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy, đàn ông hay bị vợ kiểm soát và ép buộc. 35,27% nam giới báo cáo đã từng bị vợ kiểm soát, trong khi đó chỉ có 30,27% phụ nữ bị như vậy.
Các hình thức kiểm soát mà đàn ông thường gặp phải như- kiểm tra máy tính, nhật ký, email, điện thoại di động; chỉ có phép chi tiêu một khoản nhất định; chỉ cho phép tiếp xúc với một số người nhất định; không cho đi đến một số nơi nhất định… Tuổi càng cao thì sự kiểm soát càng giảm dần. Nhóm có trình độ đại học trở lên, sống ở thành phố, có thu nhập cao có xu hướng bị kiểm soát nhiều hơn.
Lo sợ chồng nhiều tiền sẽ có gái theo, chị Đinh Hồng Anh (Thanh Hoá) thường xuyên “chăm sóc” đến cái ví của chồng. Xăng xe của chồng chị mua, nộp tiền ăn trưa tại cơ quan, mỗi ngày, chị chỉ để trong ví anh 50.000 đồng, đủ để uống trà đá và bơm vá xe. Hôm nào đi nhậu, chồng chị sẽ khai báo với vợ để chị cho tiền, thậm chí, anh phải gọi điện để vợ đến tận nơi trả.
Không chỉ dừng ở đó, chị tăng cường kiểm soát bằng việc mày mò điện thoại, máy tính của chồng. Điện thoại di động của chồng có số máy lạ đều được ghi lại, chồng hay điện thoại cho ai đều được thuộc lòng. Chị cũng thường xuyên vào facebook của chồng để kiểm tra danh sách bạn bè, nếu thấy chồng “lỡ” bình luận với ảnh người đẹp nào là chị lại “đề cao cảnh giác”. Email của anh chị cũng biết được mật khẩu, thường xuyên kiểm tra. “Khi phát hiện mình nằm trong lòng bàn tay “mật vụ” của vợ, tôi cảm thấy bị xúc phạm. Người vợ mà tôi yêu thương lại rình mò, thọc mạch một cách bệnh hoạn. Nhìn cô ấy tôi thấy sợ” – chồng chị Hồng Anh tâm sự.
“Chúng tôi khá bất ngờ với kết quả thu được. Nhưng tìm hiểu sâu mới thấy, việc nam giới báo cáo bị vợ kiểm soát nhiều hơn về những mối lo ngại của phụ nữ trước những vấn đề xã hội hiện nay. Hiện tượng nam giới ngoại tình uống rượu hoặc sử dụng các chất gây nghiện khác là một thực tế đã đe doạ sự ổn định và kinh tế của nhiều gia đình. Điều đó khiến phụ nữ lo ngại và muốn kiểm soát chồng” – TS Khuất Thu Hồng– Viện trưởng ISDS nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.