Cấm xe máy ngoại tỉnh vào Hà Nội: "Không công bằng"

Nguyễn Đức Thứ ba, ngày 20/09/2016 18:55 PM (GMT+7)
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, nếu Hà Nội cấm xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô từ 7h đến 19h hằng ngày sẽ thể hiện sự phân biệt vùng miền.
Bình luận 0

img

Vào giờ cao điểm, giao thông Thủ đô Hà Nội thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang lấy ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia về Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố". Theo đề án, Hà Nội sẽ từng bước hạn chế xe máy ở Thủ đô theo 3 giai đoạn.

“Cấm phương tiện thì khác gì bảo họ ở nhà”

TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia có nhiều nghiên cứu, khảo sát về giao thông Hà Nội cho rằng, việc xây dựng đề án giảm ùn tắc giao thông lúc này là cần thiết.

“Tuy nhiên, nếu Hà Nội thực hiện việc dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hằng ngày thì không hợp lý. Cấm xe máy ngoại tỉnh vào nội thành là không công bằng, phân biệt vùng miền”, ông Thủy nói.

Theo ông Thủy, hiện nay, người dân ở ngoại tỉnh vào Hà Nội chủ yếu để học tập, làm việc, buôn bán… Nếu cấm phương tiện của người dân thì không khác gì bắt họ ở nhà, mà nếu đi xe buýt thì không tiện. Thêm nữa, không phải người dân nào cũng có điều kiện mua nhà, mua xe máy biển đăng ký Hà Nội.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cũng cho rằng, người soạn thảo đề án cần cân nhắc bỏ cụm từ cấm xe ngoại tỉnh đi. Bởi vì, Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là nơi bất cứ người dân nào cũng có thể đến, không nên phân biệt. Hiện nay, Hà Nội có khoảng 10-12 trệu lượt phương tiện qua lại mỗi ngày, trong đó từ 5-7 triệu phương tiện đến từ ngoại tỉnh.

“Nếu thực hiện việc cấm xe máy ngoại tỉnh sẽ khiến người dân phản ứng, gây phản cảm. Hà Nội nên xây dựng việc hạn chế phương tiện cá nhân theo hướng chung, không phân biệt ngoại tỉnh hay nội thành. Hiện nay, việc cấm xe taxi vào giờ cao điểm đã thu được kết quả tốt, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu áp dụng giải pháp này cho những tuyến đường có mật độ giao thông lớn”, ông Liên nói.

Giao thông công cộng đáp ứng 50% mới có thể cấm xe máy

TS Đinh Thị Thanh Bình, nguyên Viện trưởng Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải (Đại học Giao thông) cho hay, hiện nay 1km đường tại Hà Nội có trên 2.500 xe máy, gần 200 ô tô con. Tính trung bình khoảng 20 người sở hữu một ô tô con và 1,5 người một xe máy. Tốc độ tăng trưởng ô tô con mỗi năm là 13% và có xu thế ngày càng cao; xe máy tăng khoảng 7% .

“Như vậy, với tốc độ tăng trưởng phương tiện cá nhân chóng mặt như hiện nay mà không có sự can thiệp và điều tiết thì trong tương lai gần, ùn tắc giao thông sẽ trở nên cực kỳ nghiêm trọng. Nhà nước phải cần phát triển mạnh giao thông công cộng, bổ sung mạng lưới xe buýt, đường sắt đô thị tiện dụng phủ khắp Hà Nội. Lúc đó không cần cấm, người dân tự bỏ xe cá nhân để đi xe công cộng”, tiến sĩ Bình nói.

Theo tiến sĩ Bình, lúc này Hà Nội cần thực hiện ngay giải pháp xây dựng các tuyến đường sắt đô thị; tăng cường năng lực xe buýt trên các tuyến trục để xe buýt đảm nhiệm vai trò chủ đạo. Muốn như vậy thì phải ưu tiên để xe buýt có không gian lưu thông, không gây ùn tắc giao thông.

Phương án phù hợp vẫn là chọn xe buýt lớn 80 chỗ chạy làn dành riêng trên các trục giao thông chưa có đường sắt đô thị thay vì dùng các loại xe buýt hai tầng. Bên cạnh đó, phát triển phương tiện đưa đón học sinh phổ thông đặc biệt là các bậc tiểu học để giảm được lượng xe cá nhân tham gia lưu thông.

Đối với các tuyến đường ngõ ngách dài sẽ phát triển dịch vụ thuê xe đạp với mạng lưới điểm nhận – trả phương tiện tiện lợi; bố trí các bãi gửi xe đạp, xe máy gần các ga và điểm dừng đỗ, đặc biệt cho các khu dân cư xa hoặc không thể tiếp cận đường trục bằng xe buýt.

Sau khi phương tiện giao thông công cộng đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu đi lại của người dân thì Hà Nội bắt đầu hạn chế xe máy trên các đường trục, theo vành đai hoặc theo một số khu vực.

Đồng thời, phân luồng vòng tránh cho xe máy nhằm tận dụng triệt để hạ tầng giao thông đã có. Song song với đó, Hà Nội cũng thực hiện thêm giải pháp hạn chế sử dụng xe ô tô cá nhân theo khu vực, theo giờ, thậm chí áp dụng thêm các biện pháp kinh tế như thu phí ra vào nội thành, phí đỗ xe.

Theo đề án, lộ trình hạn chế xe máy ở Thủ đô theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2020 sẽ hạn chế xe máy hoạt động trong khu vực phố cổ hai ngày cuối tuần, lễ, tết. Năm 2021 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh vào khu vực nội đô (vành đai 1) từ 7h đến 19h hằng ngày.

Giai đoạn 2 từ năm 2023 sẽ dừng hoạt động đối với xe máy ngoại tỉnh trong vành đai 2, đồng thời mở rộng hạn chế ra các tuyến phố cũ (phố Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…)

Giai đoạn 3 đến năm 2025 sẽ cấm xe máy một số địa điểm trong vành đai 3. Ô tô cá nhân sẽ bị hạn chế hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem