Gần 30 nghìn người mắc bệnh nghề nghiệp
Bệnh phổi nghề nghiệp là một bệnh do tiếp xúc lâu dài với bụi và hơi khí độc trong môi trường lao động. Người công nhân tiếp xúc nhiều với bụi như trong nghề cơ khí. tiện, hàn, nghề đục rồi sang ngành xây dựng như khoan đá, lấy đá... Nhưng đặc biệt là trong ngành khai thác than, bệnh nghề nghiệp dường như không loại trừ ai.
Có đến gần 30 nghìn người mắc bệnh nghề nghiệp, đặc biệt là bệnh phổi.
Đến khám tại Bệnh viện Lao phổi Trung ương, anh Nông Văn T. quê ở Thái Nguyên khá bất ngờ khi bác sĩ cho biết anh bị bệnh phổi nghề nghiệp. Anh T. cho biết anh làm công nhân khác thác đá mấy năm nay. Khoảng 6 tháng nay anh xuất hiện các cơn ho, ho nhiều và thậm chí ho ra máu. Anh đã điều trị ở bệnh viện tỉnh nhưng không đỡ. Anh đã đi xét nghiệm ung thư nhưng vẫn không có chẩn đoán bệnh ung thư.
Gần 6 tháng nằm điều trị tại bệnh viện tuyến dưới không khỏi, đến nay anh T. lên Bệnh viện Lao phổi Trung ương điều trị được 2 tuần và anh có cảm giác dễ thở, bớt ho hơn.
Trường hợp của anh Bùi Văn X. quê ở Nghệ An cũng tương tự, anh X. thường xuyên bị đau ngực khó thở. Anh điều trị ở bệnh viện tỉnh 2 tháng nhưng bệnh không đỡ. Khi lên Hà Nội khám, anh được bác sĩ cho biết bị bệnh phổi nghề nghiệp do bụi. Lúc này, anh X. mới biết đến có bệnh phổi do nghề nghiệp. Anh X. kể mình đi làm nghề đục đá nhiều năm nay nhưng nửa năm trở lại đây thường thấy đau ngực, khó thở anh mới đi bệnh viện khám.
Phó giáo sư Khương Văn Duy - Trưởng khoa Bệnh phổi Nghề nghiệp - Bệnh viện Lao Phổi Trung ương cho biết là bệnh do tiếp xúc lâu dài với bụi trong môi trường làm việc. Hiện nay bệnh phổi nghề nghiệp còn rất mơ hồ với người dân trong khi đó hàng năm có có khoảng gần 30 nghìn người bị bệnh phổi nghề nghiệp.
Theo bác sĩ Duy bệnh phổi nghề nghiệp xuất hiện hầu hết ở các ngành nghề, ngay cả trong nông nghiệp, nghề thủ công…Trong công nghiệp mộc, mùn cưa cũng là tác nhân gây phổi; Người nông dân phun thuốc sâu gây kích thích đường hô hấp và gây viêm phổi.
Bụi khí làm xơ cứng buồng phổi của người bệnh. Bệnh rất nguy hiểm, có thể gây tàn phế, gây mất sức lao động, thậm chí là ung thư nếu tiếp xúc với bụi amiăng…
Rửa phổi, thay thế phối
Theo thống kê của Bộ Y tế, 38,7% bệnh nhân bị bệnh phổi nghề nghiệp là công nhân làm trong công nghiệp khai thác than đá, còn lại là bệnh nhân trong ngành công nghiệp vật liệu xây dựng nhưng nung gạch, cơ khí, đúc….
Trong số các bệnh phổi nghề nghiệp chiếm số lượng cao nhất là bệnh phổi silic. Bệnh bụi phổi-silic là một bệnh nan y, do người lao động hít phải bụi có chứa silic tự do. Đây là bệnh tiến triển không hồi phục, thậm chí cả khi đã ngừng tiếp xúc với bụi. Diễn tiến bệnh bụi phổi – silic thường âm thầm, từ từ và kéo dài nhiều năm, không thể hồi phục được. Bệnh không có thuốc đặc hiệu, chỉ có thể chữa trị triệu chứng, giúp bệnh nhân bớt khó thở, bớt ho, nhiễm trùng (nếu có). Về lâu dài khi bệnh nhân bị suy hô hấp nặng phải hỗ trợ thở oxy.
Hiện nay phương pháp điều trị bệnh nghề nghiệp chủ yếu sử dụng các thuốc điều trị làm giảm quá trình xơ hóa phổi và giúp bệnh nhân phục hồi chức năng bằng cách tập thở. Theo bác sĩ Duy những bệnh nhân xơ hóa toàn phổi tiến tới thay phổi để giúp bệnh nhân trở lại cuộc sống. Hiện nay chỉ có khoảng 4% người lao động được khám bệnh định kỳ, còn lại đa số người lao động không được khám chữa bệnh định kỳ.
Theo PGS Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Lao Phổi Trung ương, bệnh phổi nghề nghiệp không giới hạn độ tuổi, đặc biệt là những người bị bệnh trong độ tuổi lao động chính chiếm đa số. Hàng loạt bệnh nghề nghiệp như bệnh phổi silic, bệnh phổi amiang, bệnh phổi bông, bệnh phổi than, hen, viêm phế quản mãn tính.
Hiện nay có các biện pháp dự phòng như thở khí dung trung hòa kiềm nóng để giảm các bệnh phổi cho bệnh nhân làm trong các môi trường. Ngoài ra, các bệnh nhân làm trong môi trường than đá hay bị các bệnh phổi than sẽ phải rửa phổi để dự phòng bệnh phổi nghề nghiệp.
Để hạn chế bệnh phổi nghề nghiệp, bác sĩ Nhung cho biết mặc quần áo bảo hộ theo quy định, đeo khẩu trang đặc dụng, định kỳ khám sức khỏe 6 tháng 1 lần, khi thấy các dấu hiệu ho, đau tức ngực cần đến ngay bệnh viện chuyên khoa để khám các bệnh phổi nghề nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.