Bên cạnh nhiều nội dung quan trọng, Hội nghị T.Ư 5 khóa XII còn xem xét thi hành kỷ luật cán bộ.
Trước khi Hội nghị diễn ra, ngày 27.4, Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng có thông báo kết luận về vi phạm ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009 -2015. Trong kết luận đã đưa ra các hình thức xử lý kỷ luật, đồng thời cũng đề nghị thi hành đối với những cán bộ có liên quan.
Kết luận chỉ rõ, ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP.HCM, nguyên Bí thư Đảng uỷ, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn PVN chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, HĐTV Tập đoàn PVN trong giai đoạn 2009 - 2011.
Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng đã đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư Đảng xem xét thi hành kỷ luật với ông Đinh La Thăng theo thẩm quyền.
Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), vấn đề xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ được đề cập ngay trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị T.Ư của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khiến dư luận chú ý.
"Sở dĩ dư luận quan tâm, thậm chí có nhiều người cho đó là vấn đề đặc biệt là vì người bị đề nghị thi hành kỷ luật là cán bộ cấp cao. Cần phải nhận thức, cho dù là cán bộ cấp cao hay cán bộ cấp bình thường, khi họ đã có vi phạm, khuyết điểm thì cũng bình đẳng trước kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Nếu nhận thức như thế thì thấy việc một Ủy viên Bộ Chính trị bị đề nghị xem xét thi hành kỷ luật không có gì là đặc biệt" - PGS Phúc nói.
Vẫn theo PGS Phúc, trong lịch sử, Đảng cũng có nhiều lần xử lý kỷ luật Ủy viên Bộ Chính trị. Trong quá trình đổi mới (năm 1986), Đảng cũng đã thi hành kỷ luật nghiêm khắc với hai trường hợp là ông Trần Xuân Bách và Nguyễn Hà Phan.
Theo PGS Nguyễn Trọng Phúc, muốn việc xử lý thi hành kỷ luật cán bộ mang lại hiệu quả tốt thì không chỉ dừng lại ở hình thức thi hành kỷ luật.
"Các hình thức kỷ luật đã được quy định trong điều lệ Đảng như phê bình, khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Cán bộ vi phạm đến mức nào thì áp dụng hình thức kỷ luật tương xứng, điều đó không khó. Tuy nhiên để hiệu quả của việc xử lý kỷ luật được lan tỏa, có ý nghĩa giáo dục, ý nghĩa xây dựng thì cần phải đi sâu tìm hiểu nguyên nhân tại sao những đồng chí đó lại mắc vào sai phạm như vậy để phải chịu hình thức kỷ luật của Đảng, thậm chí có người phải chịu hình thức xử lý trước pháp luật" - PGS Nguyễn Trọng Phúc bày tỏ.
Vẫn theo nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng, có hai nhóm nguyên nhân dẫn tới sai phạm, thứ nhất phải tìm hiểu từ phía những người mắc sai phạm. Ông lấy ví dụ, có thể là cán bộ đó thiếu tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, trước công việc được giao nên vi phạm; có thể do cán bộ đó kém về trình độ chuyên môn trong lĩnh vực phụ trách, kém cả về trình độ lãnh đạo, quản lý nên sai phạm; có thể nguyên nhân là do lợi ích vật chất chi phối khiến cán bộ đó mắc vi phạm..
."Phải đi tìm nguyên nhân từ phía cán bộ mắc vi phạm để chỉ ra cho họ thấy như thế mới có tính thuyết phục đồng thời làm cho họ thấy việc bị thi hành kỷ luật là xác đáng" - PGS Phúc nói.
Vấn đề thứ hai là đi tìm nguyên nhân từ chính tổ chức Đảng, chẳng hạn xem xét việc bổ nhiệm cán bộ có đúng không; công tác bổ nhiệm cán bộ có bị chi phối bởi những vấn đề khác không; khi đã giao chức vụ thì việc kiểm tra, kiểm soát của tổ chức thế nào; kỷ luật đã được siết chặt chưa hay còn lỏng lẻo, dĩ hòa vi quý...
"Khi tìm nguyên nhân phải xem xét từ hai phía, như thế sẽ có tính thuyết phục hơn. Từ đó có thể có thay đổi cơ chế cho phù hợp" - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.