Cán bộ, đảng viên bị kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm sẽ chưa được bổ nhiệm, ứng cử, từ chức
Cán bộ, đảng viên đang bị kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm sẽ chưa được ứng cử, bổ nhiệm, từ chức
PVCT
Thứ tư, ngày 15/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Đối với cán bộ, đảng viên đang trong thời gian bị kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, xem xét, xử lý kỷ luật, bị kiến nghị xử lý vi phạm theo kết luận thanh tra, giải quyết tố cáo và bị điều tra thì chưa thực hiện quy hoạch, ứng cử, đề cử, bổ nhiệm…
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã thay mặt Ban Bí thư ký ban hành Hướng dẫn số 02 thực hiện một số nội dung trong Quy định số 22-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng.
Về nguyên tắc thi hành kỷ luật, Hướng dẫn số 02 đã nêu một số trường hợp liên quan khi xem xét, xử lý kỷ luật, đó là:
Cán bộ, đảng viên đang trong thời gian kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cao, xem xét xử lý kỷ luật hoặc có hành vi vi phạm pháp luật đang trong thời hạn xử lý kỷ luật hoặc đang trong thời gian bị điều tra, truy tố, xét xử mà đến tuổi nghỉ hưu, được cấp có thẩm quyền giải quyết thủ tục hưởng chế độ hưu trí, thì tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ làm thủ tục chuyển sinh hoạt đảng tạm thời cho đảng viên đó về nơi cư trú, đồng thời có văn bản thông báo cho tổ chức đảng quản lý đảng viên nơi cư trú biết.
Cán bộ, đảng viên đang trong thời gian bị kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, xem xét, xử lý kỷ luật, bị kiến nghị xử lý vi phạm theo kết luận thanh tra, giải quyết tố cáo và bị điều tra thì chưa thực hiện quy hoạch, ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, nâng ngạch, bậc, phong, thăng quân hàm, nâng lương, phong tặng danh hiệu, khen thưởng, từ chức hoặc thôi việc.
Đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức đảng mới, nếu phát hiện có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đây đối với các vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên, nhiệm vụ do chi bộ giao, vi phạm chính sách dân số, vi phạm chế độ sinh hoạt đảng, thu nộp đảng phí…mà chưa được xem xét, xử lý thì tùy theo nội dung vi phạm, tổ chức đảng cấp trên của các tổ chức đảng quản lý đảng viên trước đây và hiện nay xem xét, giải quyết hoặc ủy quyền cho tổ chức đảng quản lý đảng viên hiện nay hoặc trước đây xem xét, xử lý.
Về nguyên tắc kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại (trừ trường hợp có quy định khác). Tổ chức đảng sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, phải chỉ đạo hoặc đề nghị ngay với các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự cho đồng bộ, kịp thời, được hướng dẫn thực hiện như sau:
Sau khi xem xét xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, chậm nhất 5 ngày, tổ chức đảng phải có văn bản chỉ đạo hoặc đề nghị với các tổ chức có thẩm quyền xử lý về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự.
Chậm nhất 30 ngày, khi nhận được văn bản chỉ đạo hoặc đề nghị của tổ chức đảng có thẩm quyền, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị- xã hội phải xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên; nếu quá thời hạn trên phải báo cáo rõ lý do với tổ chức đảng đã chỉ đạo hoặc đề nghị.
Đối với trường hợp tổ chức đảng bị kỷ luật thì tất cả các thành viên trong tổ chức đó đều phải chị trách nhiệm, phải ghi rõ số quyết định, ngày, tháng, năm , tổ chức đảng quyết định thi hành kỷ luật, nội dung, hình thức kỷ luật đối với tổ chức và lý lịch của từng thành viên.
Những thành viên không tán thành hoặc không liên quan trực tiếp đến quyết định sai trái của tổ chức đảng đó cũng được ghi rõ vào lý lịch đảng viên và được bao lưu ý kiến nếu có; các nội dung về quản lý cán bộ đối với đảng viên đó (như điều động, bổ nhiệm, luân chuyển, khen thưởng…) vẫn được thực hiện theo quy định…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.