Cán bộ được quy hoạch Trung ương nếu phát hiện vi phạm sẽ thế nào?

Lương Kết Thứ ba, ngày 25/06/2019 11:03 AM (GMT+7)
Theo ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương, vừa qua Bộ Chính trị quyết định phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 là bước chuẩn bị rất quan trọng cho Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng nhưng như vậy chưa phải đã xong.
Bình luận 0

img

Hội nghị Trung ương 9 khóa XII (cuối năm 2018) đã giới thiệu nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 (ảnh VOV).

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết: Tại Hội nghị Trung ương 9 khóa XII (cuối năm 2018), Ban Chấp hành Trung ương đã thực hiện việc giới thiệu nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 -2026.

Bước tiếp theo các cơ quan chức năng đã thẩm định, sau đó báo cáo Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, ngày 21/6, Bộ Chính trị đã quyết định phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Bước tiếp theo nữa, những cán bộ được lựa chọn vào danh sách quy hoạch sẽ tham gia lớp dự nguồn của Trung ương. Lớp đào tạo này do Bộ Chính trị chỉ đạo, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia HCM và các cơ quan chức năng phối hợp tổ chức.

“Theo quy trình, đến Hội nghị Trung ương cuối của khóa XII, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bỏ phiếu để thông qua danh sách những người đã được quy hoạch đó để giới thiệu ra Đại hội Đảng toàn quốc khóa XIII và Đại hội sẽ xem xét, lựa chọn để bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII”, ông Lê Quang Thưởng cho hay.

Cả ông Lê Quang Thưởng và PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia HCM) đều khẳng định, việc Bộ Chính trị quyết định phê duyệt quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII là bước chuẩn bị rất quan trọng cho Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng.

“Đây là bước chuẩn bị nên những người cán bộ được lựa chọn vào danh sách quy hoạch không phải nghiễm nhiên đều được giới thiệu ra Đại hội để bầu, thời gian tới các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát, nếu như phát hiện người nào có vi phạm, khuyết điểm trong quá trình công tác hoặc không đủ tiêu chuẩn sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch. Đây là điều đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XII”, PGS –TS Nguyễn Trọng Phúc nói.

Vẫn theo PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, theo kinh nghiệm của những nhiệm kỳ trước, từ khi có danh sách cán bộ quy hoạch vào Trung ương khóa XIII đến lúc diễn ra Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, số cán bộ được quy hoạch có thể sẽ được luân chuyển, bố trí sắp xếp lại cho phù hợp. Việc làm này là để thử thách, rèn luyện, đào tạo cán bộ, giúp cho cán bộ trưởng thành hơn trước khi bố trí, sắp xếp vào vị trí công tác mới.

“…Trung ương một lần nữa nhấn mạnh và khẳng định, cán bộ và công tác cán bộ có vị trí quan trọng hàng đầu, phải được tiến hành thận trọng, thường xuyên, có hiệu quả nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được giao. Cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong công tác cán bộ thì việc quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài” – trích phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XII của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem