|
Nhà báo Hữu Thọ |
Là người làm công tác tư tưởng giàu kinh nghiệm, theo ông, trải nghiệm quan trọng nhất với cán bộ tuyên giáo trong hoạt động của mình là gì?
- Mỗi giai đoạn cách mạng có những nhiệm vụ chính trị khác nhau. Do đó, công tác tư tưởng có những mục tiêu khác nhau nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ. Phương thức công tác trong từng thời kỳ có thể khác nhau, nhưng theo tôi nghĩ, tinh thần chiến đấu và khả năng thuyết phục vẫn là yêu cầu nhất quán trong công tác tuyên giáo.
Theo ông, tính chiến đấu trong ngành tuyên giáo có sự khác biệt nào với các lĩnh vực khác?
- Thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta đã chứng minh, dù nhiệm vụ chính trị thay đổi, nhưng không có nhiệm vụ nào được thực hiện dễ dàng mà phải chiến đấu quyết liệt, dù trong chiến tranh hay hoà bình. Tính chiến đấu trong lĩnh vực công tác tuyên giáo là chiến đấu để bảo vệ và thực hiện lý tưởng cách mạng, chiến đấu để tạo sự nhất trí trong Đảng, trong dân và toàn quân thực hiện nhiệm vụ chính trị; đồng thời chiến đấu chống lại các lực lượng phá hoại trên lĩnh vực tâm lý, tư tưởng, chiến đấu chống lại lối sống, đạo đức sai trái, bảo vệ và phát huy lối sống trong sáng, mẫu mực, xây dựng nền tảng tinh thần xã hội cho cuộc chiến đấu vì mục tiêu của từng thời kỳ, ngày nay là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, phương pháp và phong cách chiến đấu ở mỗi lĩnh vực không hoàn toàn giống nhau tuy ý chí, tinh thần và nội dung cuộc chiến đấu có thể giống nhau. Công tác tư tưởng không thể áp đặt. Tính chiến đấu trong công tác tư tưởng luôn luôn gắn liền với sức thuyết phục. Có kiến thức sâu rộng, có lý lẽ thuyết phục, thực hiện dân chủ thực sự trong thảo luận, có thái độ văn hoá trong tranh luận và ứng xử với những người có ý kiến trái chiều..., theo tôi là những điều cần có với các tổ chức và những người được trao trách nhiệm trong công tác tư tưởng.
Những người làm công tác tuyên giáo luôn luôn phải nói về đường lối và đạo đức, do đó phải là người có nhân cách trong sáng.
Ông Hữu Thọ
Mặt khác, lại cần hiểu là tính chiến đấu không chỉ là phản bác mà còn là lấy cái tốt đẹp lấn át cái xấu xa, làm cho cái tốt đẹp nảy nở và phổ biến như tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó, tính chiến đấu trong công tác tư tưởng bao gồm truyền đạt những lý lẽ chính đáng, ủng hộ các nhân tố mới...
Theo ông, đâu là những phẩm chất cần thiết với người làm công tác tuyên giáo?
- Tính chiến đấu và sức thuyết phục trong công tác tư tưởng là một đề tài rộng lớn. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương lớn và phong phú về tinh thần chiến đấu và sức thuyết phục trong công tác tư tưởng của người chiến sĩ cách mạng... Những người làm công tác tuyên giáo luôn luôn phải nói về đường lối và đạo đức, do đó phải là người có nhân cách trong sáng. Người đã từng dính tới cơ hội, chạy chọt không thể đủ tin cậy để đứng lên phê phán tệ nạn này. Nhân cách của người làm công tác tuyên giáo liên quan tới sự tin cậy của công chúng và sức thuyết phục của lý lẽ.
Xin cảm ơn ông!
Sỹ Lực- Đức Hiếu (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.