Khi Quyết định 1956/QĐ-TTg với hợp phần đào tạo công chức cấp xã được triển khai, đây vẫn là khó khăn lớn nhất mà ngành nội vụ phải đối mặt.
Đó là thực trạng được chỉ ra tại Hội thảo “Giải pháp và kinh nghiệm thực hiện hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã” do Bộ Nội vụ tổ chức tại Ninh Bình ngày 1.12.
|
Cán bộ công chức cấp xã là đối tượng đang cần được đào tạo, nâng cao năng lực. Ảnh chụp tại UBND xã Tiền Phong (Mê Linh, Hà Nội). |
Có chừng nào… dùng chừng ấy
Theo ông Vũ Văn Khả - Chủ tịch UBND xã Yên Thắng (huyện Yên Mô, Ninh Bình), hiện xã có 22 cán bộ, trình độ chuyên môn và chính trị còn hạn chế. Lãnh đạo xã chủ yếu mới qua đào tạo chính trị, còn kiến thức quản lý nhà nước chỉ có 50% cán bộ đã qua đào tạo.
“Gần đây mới có cơ chế thu hút cử nhân về đảm nhiệm các chức danh công chức xã, còn hầu hết cán bộ được đưa về địa phương theo chế độ 176 nên trình độ cán bộ xã “có chừng nào, dùng chừng ấy”. Vì thế, việc đào tạo cho cán bộ công chức cấp xã là rất quan trọng.
Cùng chung nhận định trên, ông Nguyễn Văn Thành – Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Lai Châu cho biết, hiện toàn tỉnh có 103 xã, phường và thị trấn với gần 2.000 cán bộ công chức xã. Tuy nhiên, trình độ văn hoá của cán bộ công chức xã rất thấp, chỉ có 38% cán bộ đã qua đào tạo. Tuy nhiên, cái khó của các địa phương khi triển khai Quyết định 1956 là cán bộ rất… ngại đi học, ngay cả khi có hỗ trợ tài chính.
Quyết định 1956/QĐ-TTg ghi rõ, mục tiêu tổng quát là bình quân hàng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã. Chia theo giai đoạn thì năm 2009-2010 là 200.000 người. Giai đoạn 2011-2015 đào tạo 500.000 lượt cán bộ. Năm 2015-2020, con số này cũng khoảng 500.000 người. Như vậy, tổng số công chức xã được đào tạo theo đề án này tới năm 2020 là 1,2 triệu người.
“Kinh phí hỗ trợ cho cán bộ đi học 50.000 đồng/ngày là không hợp lý với vùng cao. Do đường sá cách trở, có nơi cách trung tâm huyện 100km nên đi học phải bỏ khoản chi phí rất tốn kém, dẫn đến việc nhiều cán bộ xã ngại đi học” -ông Thành nói.
Bà Lê Kim Loan – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ninh cũng nêu thực tế: “Qua công tác đào tạo, chúng tôi nhận thấy có một thực tế là rất khó triệu tập cán bộ công chức đi học với nhiều lý do khác nhau. Có người lý do là đi học không có kinh phí, không có thu nhập, người thì nói không có ai làm nên lãnh đạo xã không cho đi... Vì thế, việc cử cán bộ đi học cần phải công khai minh bạch, vì thực tế có hiện tượng cán bộ cần đào tạo lại không đi mà cử người khác đi thay với lý do… bận việc”.
Để khắc phục tình trạng trên, bà Loan cho rằng, đào tạo phải gắn với yêu cầu thực tế, gắn với các chương trình phát triển kinh tế của địa phương và quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ. “Ví như ở Quảng Ninh, cán bộ ngoài đảo Cô Tô không thể tham gia lớp học trong đất liền, chúng tôi đã chở máy móc và đưa giáo viên ra tận nơi giảng dạy để công chức xã đi học mà không ảnh hưởng tới công việc” - bà Loan chia sẻ kinh nghiệm.
Cần nhận thức rõ lợi ích khi nâng cao chất lượng nhân lực
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Văn Tất Thu khẳng định, xã là nơi trực tiếp triển khai đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tại địa phương, gắn với sản xuất nông nghiệp. Để thực hiện thành công đề án đào tạo nghề, phụ thuộc phần lớn vào năng lực, phẩm chất của lực lượng cán bộ, công chức xã. Đội ngũ này vừa là đối tượng đào tạo của dự án, vừa là người tạo điều kiện, thiết kế thị trường để tăng nhu cầu sử dụng lao động nông thôn.
“Do đó, chúng tôi xác định Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn là cơ hội thuận lợi để bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, năng lực quản lý hành chính, quản lý kinh tế, xã hội chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở. Vì thế, dù khó khăn, chúng tôi cũng chỉ đạo các địa phương phải sắp xếp, bố trí cho cán bộ xã đi học” - ông Thu Khẳng định.
Để triển khai Quyết định 1956, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các địa phương tiến hành đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cho khoảng 1,2 triệu lượt cán bộ, công chức xã để đội ngũ này thực sự là cầu nối, gắn kết giữa chính quyền với quần chúng nhân dân”.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Văn Tất Thu
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã là một trong những khâu quan trọng của công tác cán bộ. Việc đưa tỷ lệ hộ nghèo ở địa phương giảm từ 50,87% năm 2005 xuống còn 19,86% năm 2010 có phần đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ cơ sở.
Thạc sĩ Nguyễn Văn Côi - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bắc Kạn
Liên quan tới việc cán bộ xã… ngại đi học, ông Trần Quyết Cường –Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) cho rằng: “Đào tạo cho cán bộ công chức là hết sức cần thiết, muốn người cán bộ gần dân, sát dân phải đào tạo cho họ những kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, việc cử cán bộ nào đi học, học nội dung gì cần phân cấp cho xã quy hoạch để vừa hợp lý với năng lực chuyên môn và kế hoạch phát triển cán bộ vừa không bị ảnh hưởng tới công việc”.
Về kinh phí, ông Cường chia sẻ, không phải cứ đổ lỗi cho việc hỗ trợ ít, chính quyền địa phương cần có kinh phí đối ứng và ngay người học cũng cần xác định rõ tư tưởng đi học là để tiến bộ cho bản thân nên cũng phải có nghĩa vụ đóng góp. “Như 12 năm trước đây, tôi đi học làm cán bộ, mẹ tôi đã bán cả trâu để có tiền cho tôi đi học, chứ lúc ấy Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ đâu” - ông Cường nói.
Để triển khai tốt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhiều địa phương cũng kiến nghị Bộ Nội vụ nên xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo hướng mở, đảm bảo mục tiêu chung là 70% phần kiến thức cơ bản, 30% kiến thức mở để địa phương làm căn cứ tiếp tục thiết kế chương trình cho phù hợp.
Phương Vy
Vui lòng nhập nội dung bình luận.