Cần chính sách để nghề sơn mài truyền thống Bình Dương níu chân người trẻ
Bình Dương: Cần chính sách đặc thù để nghề sơn mài truyền thống níu chân người trẻ
Nguyên Vỹ
Thứ sáu, ngày 25/10/2024 12:02 PM (GMT+7)
Nghề sơn mài truyền thống Bình Dương khó thu hút người trẻ trong khi lớp thợ lành nghề ngày càng vắng bóng. Đề án khôi phục làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp vẫn triển khai rất chậm. Di sản văn hóa phi vật thể đối diện hàng loạt nguy cơ mai một.
Ngành nghề nông thôn Bình Dương từ lâu đã có những nét đặc trưng riêng, khắc họa nên những tinh hoa của vùng Đất Thủ. Trong đó, nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là một "đặc sản" của tỉnh, với hơn 100 năm giữ gìn và phát triển.
Clip: Bảo tồn nghề sơn mài truyền thống Bình Dương.
Nói đến nghề sơn mài không thể không nhắc đến trường Bá Nghệ xưa, được lập năm 1901. Nơi đây từng đào tạo ra rất nhiều nghệ nhân, họa sĩ đã làm rạng danh nghề sơn mài Bình Dương. Đến nay, các sản phẩm sơn mài xưa vẫn còn lưu giữ nhiều trong các công trình cổ.
Vẻ đẹp tác phẩm sơn mài Tương Bình Hiệp từ truyền thống đến hiện đại. Ảnh: Nguyên Vỹ
Vào thập niên 40, các xưởng sơn mài lớn như Thanh Lễ, Trần Hà đã đưa hàng hóa xuất khẩu khắp nơi, thu ngoại tệ và tạo công ăn việc làm cho người dân. Sau năm 1975, Chính phủ đưa nghề sơn mài vào danh mục các sản phẩm xuất khẩu đến các nước xã hội chủ nghĩa.
Từ năm 1975 đến 1990, nghề sơn mài phát triển rộng khắp ở Bình Dương. Tuy nhiên, sau 1990, thị trường truyền thống không còn khi Nhà nước chủ trương mở cửa hội nhập kinh tế. Lúc này, nghề sơn mài chựng lại và dần đi xuống.
Theo ông Nguyễn Văn Quý - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn mài và Điêu khắc Bình Dương, có nhiều nguyên nhân cho sự chựng lại này. Khi đó, thị trường mở rộng, nhiều nguồn nguyên vật liệu nhập vào, khó kiểm chứng chất lượng. Các cơ sở sơn mài đưa vào sử dụng, tạo ra sản phẩm kém chất lượng.
Về chủ quan, đa số các doanh nghiệp, cơ sở có quy mô vừa và nhỏ, phải tự cạnh tranh với nhau bằng cách giảm giá thành, giảm chất lượng. Thiếu tiềm lực và kinh nghiệp quảng bá, nghề này ngày càng thêm mai một; không ít người bỏ nghề đi tìm việc khác.
Thêm nữa, từ sau 1995, thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang dáng dấp của sơn tổng hợp. Nhiều nơi lạm 2 chữ "truyền thống", cũng mượn danh sản xuất qua 25 công đoạn, hoặc sản xuất từ 3-6 tháng.
"Điều này rất nguy hiểm cho nghề truyền thống nếu không có chương trình bảo tồn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở làm nghề thực thụ", ông Quý nói.
Nghề sơn mài và nỗi lo thiếu lực lượng kế thừa
Nghệ nhân ưu tú Lê Bá Linh - Giám đốc Công ty Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn (TP.Thủ Dầu Một) cho biết, thời gian qua, tình hình xuất khẩu ở nhiều đơn vị bị ảnh hưởng bởi tình hình thế giới biến động. Bản thân mỗi doanh nghiệp, cơ sở đều ý thức rõ việc nâng cao chất lượng, thay đổi mẫu mã, giá thành phù hợp xu hướng tiêu dùng, trong đó có thị trường nội địa.
Theo ông Linh, không chỉ ở Bình Dương, cả nước có rất nhiều ngành nghề quý nhưng chưa có những chính sách cụ thể để hỗ trợ. Vì đa số, những người làm nghề ở quy mô hộ gia đình, cơ sở nhỏ.
Họ không có điều kiện tài chính để quảng bá, phát huy mẫu mã hoặc đảm bảo khâu môi trường. Các doanh nghiệp, cơ sở làm nghề sơn mài ở Bình Dương cũng mong muốn có chính sách hỗ trợ đặc thù.
Thêm nữa, nỗi lo lớn nhất của những người làm nghề sơn mài là lớp nhân lực kế thừa. Đặc thù của ngành sơn mài là ý tưởng nghệ thuật. Một khi hàm lượng chất xám ở đội ngũ công nhân và thợ lành nghề mất đi, đồng nghĩa, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp không phát triển được.
Lớp nghệ nhân, thợ lành nghề ngày càng vắng bóng. Giới trẻ thì không quan tâm nhiều đến nghề thủ công. Theo ông Linh, ngoài kế hoạch, sản xuất kinh doanh tốt, các doanh nghiệp, cơ sở cần sự hỗ trợ từ chính quyền.
"Phải làm sao nâng cao nhận thức ở giới trẻ rằng, ngành nghề truyền thống cũng có thể mang lại thu nhập cao. Vực dậy hiệu quả kinh tế là cơ hội để bảo tồn, gìn giữ nghề", ông Linh nói.
Nhiều năm qua, tỉnh Bình Dương ra nhiều quyết sách để khôi phục nghề sơn mài truyền thống mà cha ông đã dày công tạo dựng. Năm 2008, làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp công nhận là làng nghề truyền thống. Năm 2011, nhãn hiệu tập thể sơn mài Tương Bình Hiệp hình thành; và đến năm 2016 thì được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
UBND tỉnh cũng có Đề án và phát triển nghề sơn mài kết hợp du lịch trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một. Ông Linh cho rằng, đây tín hiệu mừng cho nghề sơn mài nhưng đề án cần triển khai nhanh hơn.
Ông Trần Tuấn Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh cũng đề nghị tỉnh đẩy nhanh những dự án đã phê duyệt, trong đó có đề án bảo tồn làng nghề sơn mài.
Bình Dương có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Lượng khách du lịch MICE thông qua các hội thảo, triển lãm quốc gia, quốc tế đến Bình Dương mỗi năm cũng rất đông. Việc lồng ghép sinh hoạt, trải nghiệm dài ngày tại làng nghề trong các tour, tuyến có thể tăng sức hấp dẫn, tạo thành đặc sản du lịch Bình Dương.
Giúp người lao động sống được, làm giàu được từ nghề sơn mài truyền thống
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quý cho rằng, trong khu sản xuất, Đề án này có thể thực hiện các khu trải nghiệm cho học sinh đến tham gia. Từ đó, người trẻ biết, hiểu, thêm yêu và có thức gìn giữ nghề.
Ngoài việc tổ chức xúc tiến thương mại, các chương trình đào tạo cũng nên lồng ghép vào. Các nghệ nhân truyền thống còn sức khỏe, còn tâm huyết với nghề sơn mài sẽ hỗ trợ đào tạo; và các doanh nghiệp, cơ sở có thể cử người theo học.
Tại Chương trình Đối thoại với cử tri mới đây, lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, sẽ quy hoạch lại không gian, tạo điều kiện cho nghề truyền thống, trong đó có nghề sơn mài Tương Bình Hiệp phát triển bền vững, hiện đại, thân thiện môi trường, gắn với phát triển du lịch.
Không chỉ bảo tồn giá trị truyền thống, quy hoạch phải gắn với đào tạo, giúp người lao động cũng như chủ thể văn hoá nâng cao tay nghề, tạo thương hiệu, uy tín để sản phẩm cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Ông Nguyễn Văn Dành – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, Bình Dương sẽ xây dựng các thể chế, chính sách đặc thù, khuyến khích các cơ sở sản xuất truyền thống duy trì hoạt động, người lao động sống được, làm giàu được từ nghề truyền thống.
"Việc bảo tồn và phát triển ngành nghề truyền thống là động lực để phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, và thu nhập ổn định cho người dân nông thôn", ông Dành chia sẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.