Cần chính thức hóa việc làm cho cả người trồng rau, nuôi lợn

Minh Nguyệt Thứ ba, ngày 10/10/2017 10:55 AM (GMT+7)
Muốn phát triển, không còn cách nào khác, Việt Nam phải chuyển dịch hơn 70% lao động trong khu vực phi chính thức sang chính thức. Về vấn đề này, Báo NTNN đã có cuộc đối thoại với bà Nguyễn Thị Xuân Mai (ảnh) – Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê).
Bình luận 0

Bà đánh giá thế nào về bức tranh lao động phi chính thức ở Việt Nam?

- Mới đây, Tổng cục Thống kê đã làm một cuộc điều tra lao động phi chính thức. Kết quả cho thấy, tỷ lệ lao động phi chính thức ở Việt Nam khá cao. Tổng số lao động phi chính thức ở Việt Nam là hơn 18 triệu người (chiếm khoảng 57%) nếu tính cả lao động nông nghiệp, phải có hơn 40 triệu lao động phi chính thức, chiếm hơn 70% lực lượng lao động (54 triệu).

Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc. Tuy nhiên, với một số nước như Ấn Độ, Bangladesh, họ lại có tỷ lệ lao động phi chính thức cao hơn nhiều. Đặc biệt, có nước như Nam Phi, tỷ lệ lao động phi chính thức còn đạt tới 90%. Đáng lo ngại, có tới 76% lao động phi chính thức (phi nông nghiệp) không có hợp đồng và 97% lao động phi chính thức không được đóng bảo hiểm xã hội. Thống kê của chúng tôi cũng cho thấy, tỷ lệ dịch chuyển lao động phi chính thức ở Việt Nam rất chậm, chỉ khoảng hơn 1% trong 2 năm từ 2014-2016.

Thực tế, tính phi chính thức là nét phổ biến trong nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển như Việt Nam. Nếu không có những điều chỉnh, điều này sẽ tác động tiêu cực tới thị trường lao động và kinh tế quốc gia.

img

 Tỷ lệ lao động phi chính thức ở Việt Nam chiếm tới hơn 70%. (ảnh minh họa). Minh Nguyệt 

Cụ thể, nó sẽ tác động tiêu cực như thế nào tới thị trường lao động và kinh tế quốc gia?

- Trước hết, tỷ lệ lao động phi chính thức cao sẽ là rào cản lớn trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động. Không được chính thức hóa công việc khiến lao động không được ký hợp đồng, không có bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Khi họ không được đảm bảo về an sinh sẽ dễ rơi vào vòng xoáy của đói nghèo, lạc hậu. Vô tình, họ trở thành gánh nặng của gia đình, xã hội, kìm hãm sự phát triển của xã hội.

Ở một khía cạnh khác, tỷ lệ lao động phi chính thức cao còn tác động tiêu cực đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nguồn thu ngân sách và các hoạt động của Chính phủ, đặc biệt về khía cạnh chính sách kinh tế - xã hội và môi trường, cũng như tính lành mạnh của thể chế và sự cạnh tranh công bằng trên thị trường quốc gia và quốc tế.

Báo cáo việc làm phi chính thức của Tổng cục Thống kê chỉ đưa ra con số lao động phi chính thức, không bao gồm lao động phi chính thức làm nông nghiệp. Lý do là bởi đây là nhóm lao động khó can thiệp tác động chuyển dịch. Trước mắt, Việt Nam sẽ cố gắng có chính sách để tác động lao động chính thức phi nông nghiệp. Lâu dài mới tính bài can thiệp với nhóm lao động phi chính thức ở lĩnh vực nông nghiệp. 

Như vậy, Việt Nam cần phải có những động thái, biện pháp gì để giảm tỷ lệ lao động phi chính thức này?

- Hiện nay, tiêu chuẩn để đánh giá lao động phi chính thức hay chính thức là căn cứ vào vị trí việc làm. Do vậy, muốn chuyển dịch lao động khu vực phi chính thức thì Việt Nam cần phải chính thức hóa việc làm cho họ. Tức là tạo ra nhiều việc làm mới ở khu vực chính thức thông qua việc thúc đẩy doanh nghiệp mới thành lập. Bên cạnh đó, có những chính sách hỗ trợ kêu gọi đầu tư từ nước ngoài phát triển hơn nữa các doanh nghiệp FDI hoặc doanh nghiệp trong nước để họ lớn mạnh và tạo ra nhiều việc làm chính thức hơn nữa.

Song song đó, nhiều chuyên gia cũng nêu ý kiến, cần phải phát triển kinh tế địa phương, phát triển các chuỗi liên kết các hộ lao động phi chính thức vào khu vực chính thức; phát huy chương trình việc làm công, chương trình phát triển kinh tế xã hội. Ví dụ, hỗ trợ người trồng rau có thể đưa sản phẩm vào các siêu thị, cung ứng cho các công ty tiêu thụ, qua đó chính thức hóa việc làm cho nông dân trồng rau. Tương tự như vậy đối với nông dân sản xuất lúa gạo, chăn nuôi…

Về lâu dài Nhà nước cần phải có những chính sách hỗ trợ chuyển dịch như tăng đào tạo nghề, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp vừa và nhỏ, giảm thuế cho những người chuyển dịch lao động từ phi chính thức sang chính thức...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển dịch lao động phi chính thức là rất khó khả thi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, việc làm hạn chế?

- Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, nền kinh tế cũng đã có những khởi sắc. Số việc làm mới nhất là trong các doanh nghiệp FDI cũng khá nhiều. Do vậy, lao động hoàn toàn có thể chính thức hoá việc làm bằng cách nộp đơn xin làm việc ở những công ty này.

Tuy nhiên, cái khó không chỉ nằm ở vấn đề tạo ra việc làm chính thức mà còn khó ở chỗ một lượng lớn lao động dù đang làm chính thức nhưng rời bỏ thị trường lao động ra làm công việc không chính thức ví dụ như lái xe taxi truyền thống bỏ các hãng ra chạy Uber, Grab, hay lao động nông thôn di cư ra thành phố lao động tự do theo mùa vụ do cách mạng công nghiệp 4.0, hay xu hướng tất yếu từ di cư.

Do đó, chúng ta phải từ từ có thêm các chính sách phù hợp với các lao động thời vụ này…

Xin cảm ơn bà!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem