Trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội qua hơn 30 năm đổi mới, ở một số địa phương trong cả nước đã để xảy ra “điểm nóng”, vụ việc phức tạp, điển hình như: Vụ nông dân Thái Bình khiếu kiện xảy ra ở hầu hết các xã năm 1997-1999; bạo động ở Tây Nguyên tháng 2/2002 và tháng 4/2004; vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên) năm 2012; vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) năm 2012;
Vụ đòi lại đất liên quan đến tôn giáo tại giáo xứ Thái Hà (Hà Nội) năm 2011; vụ tập trung người Mông trái phép ở Mường Nhé (Điện Biên) năm 2011; vụ gây rối ở Bình Dương, Đồng Nai năm 2014; các vụ việc ở giáo phận Vinh lợi dụng sự cố môi trường biển dự án Formosa (Hà Tĩnh) tụ tập gây rối từ tháng 4/2016 đến nay; vụ lấn chiếm đất quốc phòng tại xã Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) tháng 4/2017, vụ kích động gây rối tại Phan Rí (Phan Thiết, Bình Thuận) tháng 6/2018; Đặc biệt, vụ việc ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) mới đây lại "dậy sóng" dư luận.
Lực lượng chức năng bảo vệ hiện trường nơi xảy ra vụ việc tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP.Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)
Có thể nhận thấy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chính quyền các cấp đã quan tâm, nắm bắt tình hình nhân dân, nhiều nơi tổ chức tốt công tác tiếp dân, đối thoại với nhân dân, quan tâm và tích cực xử lý, giải quyết các kiến nghị chính đáng của Nhân dân. Công tác xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt và sự phối hợp trong vận động, tập hợp của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các ngành chức năng, nhất là các vùng có tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần hạn chế để xảy ra những vụ việc phức tạp và điểm nóng.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dân vận còn có những hạn chế, bất cập, như: Công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật chưa được nhiều địa phương quan tâm nên sự chuyển biến nhận thức của các tầng lớp Nhân dân chưa tốt, ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm.
Một số địa phương, ban, ngành chức năng ít sâu sát cơ sở, ít gần gũi nhân dân. Đồng thời, công tác quản lý thông tin còn nhiều lúng túng, chưa có biện pháp hiệu quả quản lý được những thông tin kích động của các thế lực thù địch, nhất là trên mạng xã hội, đồng thời chưa xử lý nghiêm, đúng mức người vi phạm pháp luật trên lĩnh vực truyền thông.
Nhiều nơi cấp ủy chưa coi trọng công tác dân vận
Trao đổi với PV Dân Việt về những vấn đề trên, ông Nguyễn Túc - nguyên Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ) Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024 nhìn nhận: “Qua những sự việc về những điểm nóng được báo chí nêu lên vừa qua như ở Bình Thuận, Bình Dương hay gần đây là Đồng Tâm (Hà Nội), tôi cảm thấy đáng lẽ dân vận phải đi trước, đi cùng và đi sau.
Đây là phương châm của Đảng và Nhà nước ta, nhưng dường như ở những địa phương này đã không thực hiện đúng các phương châm này. Chính điều đó dẫn đến những hiệu quả không cao, hệ lụy đáng tiếc”.
Ông Nguyễn Túc - nguyên Ủy viên Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa Xã hội, thành viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX, nhiệm kỳ 2019-2024. (ảnh: Xuân Hải)
Theo ông, phương châm là “đâu cần dân vận có, đâu khó có dân vận”, nhưng hiện nay đang tồn tại một thực tế là “ở các cấp ủy Đảng ở những nơi đó chưa coi trọng công tác dân vận”.
“Ngay như vụ việc ở Đồng Tâm trước đây và những ngày vừa qua, tôi thấy trên các phương tiện thông tin báo chí đều nhấn mạnh vào vai trò của chính quyền, công an và quân đội chứ công tác vận động quần chúng chưa rõ nét. Điều này một phần cũng bởi, ở Đồng Tâm “dòng họ Lê Đình” có vai trò quan trọng, nhưng dòng họ này lại có người phạm vào những tiêu cực thành ra dẫn đến việc hạn chế của công tác dân vận” – ông Nguyễn Túc nói.
Nguyên Ủy viên Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng chỉ ra một thực tế rằng, những vụ việc gần đây liên quan đến vùng kinh tế trọng điểm như Vân Đồn, Phú Quốc, Vân Phong hay như ở Bình Dương rõ ràng bùng ra mà cấp ủy địa phương không nắm được.
“Điều này cho thấy công tác dân vận của chúng ta chưa sâu sát với dân, chưa nắm được tình hình của các tầng lớp nhân dân chứ chưa nói đến những thủ đoạn của các thế lực thù địch. Cho nên không tham mưu kịp thời đến cấp ủy, dẫn đến tình hình bị động. Tôi cho rằng cấp ủy ở đó coi nhẹ hoặc bố trí những người không đủ năng lực lo công tác dân vận nên đã dẫn đến những sự việc đáng tiếc đã xảy ra” – ông Nguyễn Túc nói.
"Đến từng nhà, gõ từng cửa"
Trước câu hỏi của PV Dân Việt về việc các cấp ủy ở địa phương cần rút ra những bài học kinh nghiệm và cần làm gì trước những sự việc đã xảy ra, nguyên Ủy viên Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, có một thực tế khách quan đang xảy ra là “khi nào sự việc xảy ra thì cấp ủy mới quan tâm đến dân vận”.
Ông nhìn nhận, từ khi đất nước thống nhất, hòa bình toàn vẹn quốc gia đã cho chúng ta một bài học kinh nghiệm mà nghị quyết 07 của Bộ Chính trị và các Nghị quyết liên quan đến dân vận và công tác mặt trận “đều có một nhận xét chung là ở nhiều nơi cấp ủy chưa quan tâm đúng mức đến công tác dân vận”.
Điều đó nói lên một điều thực tế về công tác dân vận, mặt trận hiện nay ít được coi trọng. Nó dẫn đến tình hình rất ít người muốn về làm việc ở mặt trận, người ta chạy chức chạy quyền không ai chạy về mặt trận mà chạy chỗ khác. Có một thời thời người ta nói là “vào kiểm tra ra mặt trận”, có những lúc mặt trận là túi đựng những người chuẩn bị về hưu.
“Cho nên muốn cho công tác dân vận được tốt, điều quan trọng nhất là sự đổi mới của cấp ủy nhận thức được phương pháp về công tác dân vận mặt trận chứ hiện nay không ít cấp ủy chưa nhận thức đúng về mặt trận” - ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
Nguyên Ủy viên Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam bày tỏ, người Việt Nam chúng ta có truyền thống yêu nước, chính nhờ truyền thống đó chúng ta mới thắng được giặc ngoại xâm và giành được độc lập, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ đến ngày nay.
Tuy nhiên, những năm gần đây chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng mặc dù dân ta tốt, yêu nước nhưng một bộ phận không nhỏ dễ bị những phần tử xấu lợi dụng, kích động.
“Có những người yêu nước nhưng 'trái tim nhầm chỗ để lên đầu' dẫn tới những hành động phản lại yêu nước. Tôi muốn dùng câu thơ đó để nói với bà con rằng yêu nước nhưng phải tỉnh táo. Những hành động vừa qua, tụ tập đông người, gây mất an ninh trật tự, thậm chí có kẻ xấu lợi dụng, kích động, tấn công cả lực lượng chức năng… là hành động đi ngược lại với lòng yêu nước, có thể dẫn tới những hậu quả khó lường” – ông Nguyễn Túc nói.
Ông Nguyễn Túc cũng cho rằng, sự việc vừa qua là một bài học đắt giá với chính quyền cơ sở và các đoàn thể tại địa phương. Chính quyền cơ sở cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc, cần phải chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt tình hình của các tầng lớp nhân dân, nắm bắt được những diễn biến, tâm tư tình cảm của nhân dân, phải “đến từng nhà, gõ từng cửa” để tuyên truyền để người dân không có những hành vi bị kích động, xúi giục.
“Qua báo NTNN/Dân Việt tôi mong muốn các cơ sở dưới sự chỉ đạo của chính quyền chúng ta lưu tâm hơn nữa, đi sâu đi sát hơn nữa để tránh lặp lại những chuyện như vừa rồi. Đặc biệt cần phải lựa chọn những đồng chí cấp ủy phụ trách mặt trận dân vận dày dạn kinh nghiệm, có uy tín, có phẩm chất đã từng kinh qua nhiều vị trí trong cấp ủy” - ông Nguyễn Túc nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.