Căn cứ xử lý người "tống tiền" cựu Chủ tịch xã ở Hà Nội đưa 500 triệu đồng mới rút tố cáo

Quang Trung Thứ hai, ngày 27/05/2024 14:39 PM (GMT+7)
Để được rút đơn tố cáo có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, ông C., cựu Bí thư, Chủ tịch một xã ở huyện Mỹ Đức bị ra điều kiện phải đưa 500 triệu đồng. Chuyên gia pháp lý đã bình luận về vụ việc này.
Bình luận 0

Cựu Bí thư, Chủ tịch một xã ở Hà Nội bị tống tiền 500 triệu đồng

Ngày 27/5, thông tin từ Công an huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho biết, Cơ quan điều tra Công an huyện đang củng cố hồ sơ, xử lý đối tượng Phạm Văn Tiệp (SN 1959, trú tại thôn Nghĩa, xã Xuy Xá, huyện Mỹ Đức), về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Theo điều tra, khoảng đầu năm 2024, Phạm Văn Tiệp làm đơn tố cáo ông Nguyễn Văn C. (SN 1963, nguyên là Bí thư, Chủ tịch một xã trên địa bàn huyện Mỹ Đức), có nhiều sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương.

Căn cứ xử lý người "tống tiền" cựu Chủ tịch xã ở Hà Nội đưa 500 triệu đồng mới rút tố cáo- Ảnh 1.

Đối tượng Tiệp lúc bị bắt quả tang. Ảnh: CACC

Sau đó, ông Nguyễn Văn C. đã nhiều lần trao đổi, liên lạc đề nghị Tiệp rút đơn. Tiệp đồng ý với yêu cầu ông C. phải đưa 500 triệu đồng, nếu không sẽ tiếp tục làm đơn đến các cấp cao hơn.

Do lo sợ nên ngày 26/5, ông Nguyễn Văn C. đã mang 500 triệu đồng đưa cho Tiệp. Quá trình Tiệp nhận tiền đã bị lực lượng Công an huyện Mỹ Đức bắt quả tang.

Vụ việc hiện đang được Công an huyện Mỹ Đức hoàn thiện hồ sơ xử lý theo quy định pháp luật.

Sẽ làm rõ nội dung tố cáo cựu Bí thư, Chủ tịch xã

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là vụ việc phát hiện quả tang, cơ quan điều tra đã có căn cứ xác định số tiền và việc giao nhận tiền. Tuy nhiên sẽ làm rõ hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của nạn nhân được thể hiện qua hành vi nào, chứng cứ nào chứng minh sự việc.

Trường hợp kết quả xác minh có căn cứ cho thấy người tố cáo đã có hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người bị tố cáo để buộc người này phải đưa tiền, đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Pháp luật nghiêm cấm hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, bởi vậy nếu kết quả điều tra có chứng cứ, căn cứ cho thấy việc giao nhận tiền xuất phát từ hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người bị tố cáo khiến người này sợ hãi phải đưa tiền, hành vi sẽ cấu thành tội phạm của tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ luật hình sự.

Điều 170 Bộ luật hình sự quy định, với số tiền cưỡng đoạt được xác định từ 500 triệu đồng trở lên, nếu bị chứng minh có tội, người thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản sẽ phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Ông Cường cho biết, theo quy định, tố cáo là quyền của công dân, khi công dân phát hiện ra hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức nhà nước hoặc người của các cơ quan tổ chức thì có quyền thực hiện việc tố cáo.

Người tố cáo gửi đơn tố cáo đến người có thẩm quyền giải quyết, cung cấp các thông tin tài liệu chứng cứ kèm theo và chịu trách nhiệm về nội dung tố cáo, nếu tố cáo sai sự thật hoặc không đúng trình tự thủ tục, xâm phạm đến lợi ích của người bị tố cáo, người tố cáo phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Người bị tố cáo cũng có trách nhiệm phải giải trình về nội dung tố cáo, phối hợp với cơ quan chức năng trong việc giải quyết tố cáo, chấp hành quyết định giải quyết tố cáo…

Pháp luật cũng nghiêm cấm hành vi đe dọa, trù dập, trả thù người tố cáo. Bởi vậy trong vụ việc này cơ quan điều tra sẽ thận trọng trong việc xác định hành vi cưỡng đoạt tài sản, đây là hành vi vi phạm pháp luật của người tố cáo hay có động cơ từ người bị tố cáo mong muốn đưa tiền để được bỏ qua sai phạm?

Bởi, để xử lý hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản phải chứng minh hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần và yếu tố lỗi của bị can. Nếu chưa có thỏa thuận về số tiền, không có hành vi đe dọa uy hiếp tinh thần của người bị tố cáo, việc đưa tiền là do người bị tố cáo chủ động, không có sự đe dọa, không có sự thỏa thuận, hành vi sẽ không cấu thành tội phạm về tội cưỡng đoạt tài sản.

Vấn đề này cơ quan điều tra sẽ làm rõ và chứng minh bằng các chứng cứ theo trình tự thủ tục luật định để kết luận sự việc.

Ngoài ra, theo ông Cường, quá trình giải quyết vụ án, cơ quan điều tra đồng thời làm rõ nội dung tố cáo, nếu tố cáo là đúng sự thật, người bị tố cáo có hành vi vi phạm pháp luật đến mức có thể xử lý hình sự cũng có thể xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

"Đây là vụ việc phức tạp có liên quan đến Luật tố cáo, liên quan đến hoạt động quản lý hành chính ở địa phương và hành vi giao nhận số tiền 500 triệu đồng nên cơ quan điều tra sẽ thận trọng xem xét một cách khách quan, công bằng, đúng pháp luật trên tinh thần bên nào sai đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó" – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem