Phát hiện, xử lý nhiều cơ sở tàng trữ trái phép gỗ quý hiếm ở Hà Giang sau tin báo của Dân Việt

Nhóm Phóng viên Thứ hai, ngày 27/05/2024 07:07 AM (GMT+7)
Sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang đã lập kế hoạch kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn, qua đó phát hiện nhiều cơ sở tàng trữ gỗ quý hiếm trái phép.
Bình luận 0

Tổng lực kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ

Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cho biết: Thực hiện kế hoạch số 53/KH-CCKL ngày 28/3/2024 và kế hoạch số 68/KH-CCKL ngày 12/4/2024 về việc kiểm tra chuyên đề các cơ sở chế biến, mua bán, tàng trữ lâm sản trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là các sơ sở có tàng trữ, chế biến kinh doanh gỗ Sa mộc dầu thuộc nhóm IA (tên địa phương là Ngọc Am).

Việc kiểm tra được tiến hành sau khi Chi cục Kiểm lâm Hà Giang tiếp nhận tin báo từ Báo Điện tử Dân Việt. 

Cụ thể, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang đã tổ chức kiểm tra trực tiếp tại các huyện Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Vị Xuyên, Đồng Văn và Thành phố Hà Giang.

Phát hiện, xử lý nhiều cơ sở tàng trữ trái phép gỗ quý hiếm ở Hà Giang sau tin báo của Dân Việt- Ảnh 1.

Gỗ Sa mộc dầu (Ngọc Am) được bày bán tại phố cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Văn Hoàng

Đa số các cơ sở chế biến lâm sản đều có ý thức chấp hành pháp luật về Lâm nghiệp, thực hiện việc chế biến, kinh doanh lâm sản đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra phát hiện 9 cơ sở chế biến kinh doanh lâm sản có dấu hiệu vi phạm, sử dụng gỗ không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. Đoàn kiểm tra Chi cục Kiểm lâm đã tiến hành lập biên bản kiểm tra và tạm giữ gỗ vi phạm các loại.

Cụ thể, Sa mộc dầu nhóm IA: 1,38 m3, gỗ Thông đỏ nhóm IIA: 0,170m3, gỗ Bách vàng nhóm IA: 0,037m3. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và bàn giao hồ sơ vụ việc cho Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố đề điều tra, xác minh xử lý theo quy định của pháp luật, báo cáo kết của về Chu cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang.

Phát hiện, xử lý nhiều cơ sở tàng trữ trái phép gỗ quý hiếm ở Hà Giang sau tin báo của Dân Việt- Ảnh 2.

Đục tượng gỗ Sa mộc dầu và gỗ Bách vàng tại một cơ sở chế biến lâm sản ở thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Văn Hoàng

Trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Dân Việt, ông Đào Duy Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cho biết: "Hoạt động kiểm tra đảm báo đúng đối tượng, nguyên tắc và trình tự nội dung theo Quy định của Bộ NNPTNT, công khai, minh bạch, khách quan, đúng thực tế và không làm ảnh hưởng đến các hoạt động của các tổ chức, cá nhận được kiểm tra".

"Chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra, củng cố hồ sơ nhằm xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định pháp luật về quản lý, truy xuất nguồn gốc gỗ" – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang khẳng định.

Tinh vi hoạt động mua bán gỗ quý hiếm trái phép

Cuối tháng 3/2024, Nhóm phóng viên Báo điện tử Dân Việt nhận thấy nhiều trang mạng xã hội đăng tải hình ảnh các sản phẩm mỹ nghệ được làm bằng gỗ Sa mộc dầu, kèm những lời giới thiệu nhằm buôn bán kiếm lời. Các đối tượng buôn bán cho biết có thể gửi hàng đến toàn quốc thông qua xe khách, xe thư báo.

Phát hiện, xử lý nhiều cơ sở tàng trữ trái phép gỗ quý hiếm ở Hà Giang sau tin báo của Dân Việt- Ảnh 3.

Gỗ sa mộc dầu sau khi lấy từ rừng về sẽ được chế tác, làm đẹp, bán cho những người có nhu cầu sử dụng trái phép. Ảnh: Văn Hoàng

Vào cuộc tìm hiểu thực tế tại các huyện Đồng Văn, Thành phố Hà Giang, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Vị Xuyên cho thấy nhiều đối tượng công khai bán gỗ quý hiếm trái phép trên mạng xã hội.

Trong quá trình tìm hiểu, Nhóm phóng viên thu thập được thông tin một số đối tượng mua bán gỗ quý hiếm thường xuyên vào trong bản làng vùng cao của huyện Hoàng Su Phì săn lùng, mua của người dân những khúc gỗ Sa mộc dầu với nhiều hình thức khác nhau. Gỗ sau khi thu mua sẽ được chế tác, đục tượng, làm các sản phẩm mỹ nghệ bán cho nhiều người có nhu cầu sử dụng trên cả nước.

Nhóm phóng viên đã tiếp cận, gặp gỡ, trao đổi và ghi hình một số đói tượng là đầu nậu thu mua, để biết được những mánh khóe tinh vi khi buôn bán mặt hàng cấm này.

Phát hiện, xử lý nhiều cơ sở tàng trữ trái phép gỗ quý hiếm ở Hà Giang sau tin báo của Dân Việt- Ảnh 4.

Khối lượng lớn gỗ Sa mộc dầu quý hiếm được một nhà dân cất giấu phía sau nhà tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Ảnh: Văn Hoàng

Theo đó, khi người dân vào rừng săn tìm Sa mộc dầu bằng cách dùng thanh sắt đâm sâu, mạnh xuống lòng đất, thanh sắt trạm vào gỗ khi đưa lên ngửi sẽ thấy mùi tinh dầu thơm. Lúc đó chỉ cần đào lấy đem về bán, do là gỗ quý hiếm nên được bán với giá hàng trăm nghìn đồng 1kg.

Gỗ được lấy từ rừng về sẽ tập kết trong bản, chủ gỗ gọi điện cho đầu nậu đến mua, nhằm tránh bị phát hiện, người vận chuyển cho vào bao tải hoặc các vật dụng kín và chủ yếu di chuyển vào ban đêm. Khi đem đến các xưởng chế biến lâm sản chúng được trà trộn với nhiều loại gỗ khác, hoặc chế tác trong một vị trí kín đáo. Gỗ chế tác xong được rao bán trên mạng xã hội.

Sau khi thu thập đầy đủ thông tin, hình ảnh, Báo Nông thôn Ngày nay đã cung cấp cho Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang vào cuộc, kiểm tra, xử lý các vi phạm.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang gửi lời cảm ơn Báo Nông thôn Ngày nay đã cung cấp những thông tin, phản ánh thiết thực. Để thực hiện có hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản trên địa bàn tỉnh. Chi cục Kiểm lâm Hà Giang mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Báo Nông thôn Ngày nay trong thời gian tới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem