Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết triển khai Nghị quyết số 57/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP.HCM. Trong đó, dự thảo Nghị quyết đã phân rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan liên quan trong việc bố trí nguồn vốn triển khai để đáp ứng tiến độ đề ra, khởi công dự án trước ngày 30/6/2023.
Được biết, Bộ Kế hoạch - Đầu tư được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành địa phương liên quan trình Thủ tướng Chính phủ điều chuyển nguồn vốn (17.146 tỷ đồng) đã bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải giao về cho các địa phương để thực hiện dự án trong tháng 8/2022.
Cùng thời gian này, Bộ Kế hoạch - Đầu tư phải tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí nguồn ngân sách TƯ chưa phân bổ (hơn 14.233 tỷ đồng) cho dự án về các địa phương.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ thực hiện việc tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương; Phối hợp tham mưu việc bố trí vốn thực hiện dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Đối với Bộ Tài chính, bên cạnh việc phối hợp cân đối vối triển khai dự án, nhiệm vụ đặt ra phải phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương liên quan xây dựng phương án tổ chức thực hiện thu hồi vốn đầu tư dự án, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố thực hiện thủ tục phát hành trái phiếu chính quyền địa phương (nếu có).
Trước đó, vào tháng 6/2022, dự án đường vành đai 3 TP.HCM đã được Quốc hội thông qua. Theo nghị quyết, Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư khoảng 76,34km đường vành đai 3, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công, trong đó có 4 dự án thành phần bồi thường hỗ trợ tái định cư. Mỗi dự án sẽ là một dự án thu hồi đất trên địa bàn 1 tỉnh mà không phải là dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026. Về giải phóng mặt bằng toàn tuyến sẽ thực hiện một lần theo quy mô quy hoạch, trừ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn (tỉnh Bình Dương) đã đầu tư.
Dự án cũng được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt. Cụ thể như về nguồn vốn đầu tư sẽ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 17.146 tỷ đồng đã bố trí cho Bộ Giao thông Vận tải về các địa phương để thực hiện. Trong đó, TP.HCM là 10.627 tỷ đồng, Đồng Nai là 856 tỷ đồng, Bình Dương là 4.266 tỷ đồng và Long An là 1.397 tỷ đồng. Cho phép tăng tổng mức vốn trung hạn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn vốn dự kiến tăng thu của các địa phương.
Bên cạnh đó, để đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND TP.HCM được thành lập hội đồng cố vấn dự án trên cơ sở đề nghị của các địa phương. Hội đồng gồm các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực kỹ thuật, vật liệu xây dựng, công nghệ, đấu thầu, tổ chức điều hành dự án.
TP.HCM là địa phương có khối lượng giải phóng mặt bằng lớn nhất trong bốn địa phương, với hơn 640 ha đất và 3.900 hộ dân. Lãnh đạo UBND TP.HCM cho biết TP đặt mục tiêu trong vòng gần một năm phải hoàn thành và bàn giao ít nhất 70% mặt bằng để khởi công vào tháng 6/2023.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.