Cần Giờ “mơ” thành đô thị du lịch sinh thái rừng - biển

Thuận Hải Thứ tư, ngày 22/02/2017 06:32 AM (GMT+7)
Không bao lâu nữa, người dân TP.HCM sẽ có khu lịch sinh thái rừng – biển, với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn ngay tại huyện Cần Giờ. Nông dân Cần Giờ cũng sẽ được đào tạo bài bản để có thể làm du lịch chuyên nghiệp hơn...
Bình luận 0

“Homestay” sẽ là điểm nhấn

Theo quy hoạch phát triển du lịch huyện Cần Giờ đến năm 2020 được UBND TP.HCM phê duyệt, Cần Giờ sẽ trở thành một trung tâm du lịch sinh thái theo 3 phân khu chức năng chính, gồm: Du lịch sinh thái biển, khu du lịch sinh thái rừng và khu du lịch sinh thái nông nghiệp.

Thạnh An là xã đảo duy nhất của TP.HCM. Muốn đến đây, du khách chỉ có phương tiện duy nhất là đò. Từ tháng 9.2015, khi hệ thống điện lưới quốc gia phủ sóng khắp xã đảo, lượng khách du lịch đến đây dần tăng cao. Trung bình mỗi tháng Thạnh An đón khoảng 2.000 lượt du khách.

img

   Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng thăm mô hình sản xuất nông nghiệp tại Cần Giờ.   ảnh: Hứa Phương

Ông Huỳnh Anh Tuấn - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thạnh An cho biết, trên đảo chưa có nhà nghỉ, khách sạn nên khách du lịch phải lưu trú theo dạng homestay (nghỉ tại nhà dân). Đây cũng chính là điểm thu hút du khách đến với xã đảo hiện nay. Hiện Thạnh An có 14 hộ kinh doanh dịch vụ homestay.

Ông Tuấn cho biết, trong thời gian tới, xã định hướng phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm cuộc sống cùng người dân trên đảo… kết hợp với việc nuôi trồng thủy sản, thả lưới, du ngoạn trên sông và một số sản phẩm đặc trưng của xã. Từ nguồn khách du lịch gia tăng sẽ góp phần thúc đẩy lĩnh vực thương mại và dịch vụ trên địa bàn phát triển, tạo ra hướng phát triển mới mạnh hơn cho xã đảo.

Còn theo UBND huyện Cần Giờ, trong năm 2016, lượng khách du lịch về Cần Giờ tăng hơn 53,5% so với năm 2015 và vượt 22% so với kế hoạch, đạt trên 1 triệu lượt khách. Doanh thu từ du lịch trong năm 2016 ước đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng 53% so với năm trước.

Cần Giờ cũng đang được khá nhiều công ty du lịch quan tâm đầu tư, mở tuyến đưa khách tham quan. Đại diện Sài Gòn Tourist cho biết, đơn vị này rất quan tâm đến điểm đến du lịch Cần Giờ. Lãnh đạo Sài Gòn Tourist cho rằng, Cần Giờ cũng hoàn thiện các tiện ích về giao thông, nhà vệ sinh, nhà chờ, nhà nghỉ... tại các hộ nông dân để đón và phục vụ khách du lịch.

Khu đô thị du lịch biển

Để khai thác hết tiềm năng phát triển kinh tế biển Cần Giờ, lãnh đạo huyện đang hướng đưa ngành nuôi trồng thủy sản thành một trong các lĩnh vực hỗ trợ chính cho du lịch. Du khách đến đây vừa được thưởng thức những món ăn ngon, vừa được trải nghiệm làm nông dân nuôi tôm, cá.

Với hệ thống sông, rạch, ven biển khá phong phú, lãnh đạo huyện Cần Giờ đang đặt nhiều kỳ vọng từ việc phát triển du lịch dựa vào đường sông. Địa phương này đang thiết lập, xây dựng các tuyến du lịch nhằm kết nối các điểm du lịch của thành phố với các điểm du lịch của huyện và từ Cần Giờ đi Vũng Tàu, Cần Giuộc (Long An), Mỹ Tho – Gò Công (Tiền Giang) thông qua hệ thống đường sông.

Bên cạnh đó, Cần Giờ cũng đang triển khai nâng cấp các điểm du lịch sẵn có như bãi biển 30.4 ở xã Long Hòa, khu du lịch hoang dã Lâm Viên với khu căn cứ kháng chiến rừng Sác, khu núi đá Giồng Chùa (Thạnh An), các khu di chỉ khảo cổ…

Mới đây, TP.HCM cũng đã có ý tưởng biến huyện Cần Giờ trở thành đô thị du lịch sinh thái rừng – biển thông qua dự án “Hệ thống công trình lấn biển kết hợp với khu đô thị - du lịch biển Cần Giờ”. Theo đó, Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ dự kiến có diện tích lấn biển 600ha với nhiều sản phẩm du lịch như thủy cung để tận dụng khai thác nguồn sinh vật biển dồi dào, đa dạng, xây dựng đường ngầm dưới biển để du khách tham quan, tìm hiểu đời sống sinh vật biển, khai thác tuyến du lịch ở khu rừng Sác; dự án xây dựng khu nuôi yến…

Ông Lê Minh Dũng – Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho rằng, khi dự án được triển khai sẽ kéo theo việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng ở các lĩnh vực liên quan như đường giao thông, các công trình tiện ích phục vụ du lịch... Từ đó, sẽ thay đổi rõ rệt bộ mặt của huyện và đưa huyện thành một trung tâm du lịch.

Không những vậy, nếu du lịch sinh thái Cần Giờ phát triển mạnh và trở thành đô thị du lịch với rừng ngập mặn, Cần Giờ cùng với các địa phương lân cận sẽ tạo thành tuyến du lịch biển lý tưởng: Cần Giờ - Vũng Tàu – Mũi Né./.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem