Bạch Dương
Thứ năm, ngày 30/11/2023 17:55 PM (GMT+7)
Tại buổi họp báo định kỳ chiều 30/11, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, đến thời điểm này, TP.HCM vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo nào về cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng từ Bộ Y tế.
Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, lần cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng gần đây nhất cho thành phố là vào tháng 10/2023. Tính đến thời điểm này, TP.HCM vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo nào về cung ứng vaccine tiêm chủng mở rộng từ Bộ Y tế.
Hiện nay, hầu hết các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều đã hết như DPT (bạch hầu – ho gà – uốn ván), IPV (bại liệt tiêm), VGB, 5 trong 1 SII (ho gà - uốn ván - bạch hầu - viêm gan B - viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib), sởi, bOPV (bại liệt), viêm gan B, MR (sởi – rubella).
Vaccine uốn ván dành cho thai phụ chỉ còn rất ít, dự kiến sẽ hết trong tháng 12. Vaccine viêm não Nhật Bản sẽ hết trong tháng 1/2024 nếu không được cung ứng.
Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết các vaccine thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng sản xuất trong nước dự kiến sớm nhất có thể được cung ứng trở lại là cuối tháng 11, còn các vaccine nhập khẩu phải chờ đến cuối tháng 12.
Theo bà Lê Hồng Nga, việc gián đoạn vaccine này sẽ khiến các trẻ không được tiêm chủng đủ mũi sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao, tỷ lệ bao phủ vaccine trong cộng đồng giảm, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh như sởi, ho gà…
Theo thống kê của HCDC, hiện nay số trẻ dưới 1 tuổi chưa được tiêm chủng đủ mũi là hơn 2.000 trẻ, hơn 3.300 trẻ chưa được tiêm vaccine sởi mũi 1.
Với trẻ dưới 2 tuổi, 8.882 trẻ chưa được tiêm vaccine sởi mũi 2, hơn 18.000 trẻ chưa được tiêm mũi nhắc lại vaccine DPT.
Sau khi Hà Nội phát hiện ca mắc ho gà đầu tiên, hiện TP.HCM đang tăng cường theo dõi các bệnh về viêm đường hô hấp. Các bệnh dịch theo mùa như sốt xuất huyết, tay chân miệng đang có xu hướng giảm.
Bà Hồng Nga khuyến cáo, trong giai đoạn chưa có vaccine tiêm chủng mở rộng, các gia đình có điều kiện có thể đưa con em đi tiêm vaccine dịch vụ. Quan trọng hơn, các biện pháp dự phòng không dùng thuốc cần được thực hiện nghiêm ngặt, đặc biệt với trẻ dưới 1 tuổi và trẻ chưa được tiêm đủ các mũi vaccine như người lớn có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính không được tiếp xúc trẻ; vệ sinh chân tay sạch trước khi tiếp xúc trẻ; đảm bảo vệ sinh nhà cửa, đồ dùng vật dụng; người lớn cần được tiêm chủng đủ để hạn chế lây bệnh cho trẻ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.