|
Để sớm tới đích, ngoài việc đi đúng hướng, con tàu cần có lộ trình và “động lực” mạnh mẽ (ảnh minh họa, chụp tại Cảng Kỳ Hà (Quảng Nam). |
Việc cần làm đầu tiên đối với các văn kiện hiện nay là phải minh bạch về khái niệm. Nhiều khái niệm lớn như khái niệm nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa được làm sáng tỏ dù nhân dân và đảng viên đều muốn làm rõ.
Thứ hai là các khái niệm về cấu trúc nền kinh tế. Cách nói kinh tế nhà nước là nền tảng của nền kinh tế đất nước nên được hiểu là thế nào? Chẳng lẽ, nhân dân, nông dân, kinh tế tư nhân lại không được xem là nền tảng của nền kinh tế?
Xưa nay chúng ta vẫn thường quan tâm đến thu nhập bình quân đầu người trong một nền kinh tế là bao nhiêu. Nhưng điều đó, chưa thực sự quan trọng bằng việc làm rõ đặc điểm của nền kinh tế đó thế nào, đứng ở đâu trong bản đồ kinh tế thế giới. Rồi khái niệm Nhà nước pháp quyền của chúng ta hiện vẫn chưa rõ…
Chúng ta luôn tự hào là học giỏi nhưng chúng ta đang né tránh nhiều khái niệm của văn minh loài người như dân chủ, Nhà nước pháp quyền… Một khi, các khái niệm chưa được tường minh thì Đảng sẽ rất khó lãnh đạo. Cán bộ định làm một việc gì đó với tinh thần đổi mới, với ý định tốt đẹp nhưng vẫn luôn lo sợ chệch hướng.
PGS.TS Trần Đình Thiên là thành viên ban soạn thảo Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, một trong ba văn kiện của Đại hội XI.
Trong dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội chỉ ra mô hình hiện nay có nhiều điểm cũ, phải đổi mới nhưng mô hình mới là gì vẫn chưa được đưa ra... Báo cáo Chính trị có sứ mệnh là lập ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới.
Tuy nhiên, trong báo cáo vẫn chưa có đủ kế hoạch để thay đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế. Trong 5 năm tới, nếu chúng ta không làm được hai yêu cầu này thì không biết đến bao giờ chúng ta mới có thể làm được.
Đại hội lần này có một nhiệm vụ rất quan trọng là thông qua Cương lĩnh Chính trị. Dù là bổ sung, phát triển Cương lĩnh năm 1991 nhưng đó là một nhiệm vụ quan trọng, thể hiện tầm nhìn của Đảng trong thời đại mới.
Tuy nhiên, cách nhìn thời đại trong chiến lược vẫn chưa có nhiều đổi mới. Chúng ta phải làm rõ được thời đại quá độ sẽ kéo dài bao lâu, nhìn sự phát triển của những cường quốc mới nổi như Ấn Độ, Trung Quốc để định vị đúng thời đại. Và sau đó, chúng ta phải xác định được tình thế của Việt Nam trong hoàn cảnh, thời đại ấy. Việc xác định được vị trí của mình, nhất là trong thời đại hội nhập hiện nay là một việc hệ trọng.
Tôi kỳ vọng văn kiện sẽ được viết một cách cụ thể chứ không nên gọn gàng, đơn giản như hiện nay.
Sỹ Lực (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.