Xuống cấp nghiêm trọng
Tháng 1.1995, Bộ GTVT ký quyết định phê duyệt Dự án Tuyến QL 91B và mãi sau 15 năm thi công, tuyến QL này mới được hoàn thành. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDAĐTXD) TP.Cần Thơ, tuyến QL 91B đi qua địa bàn 3 quận Ô Môn, Bình Thủy và Ninh Kiều với chiều dài khoảng 16km, tổng vốn đầu tư trên 455 tỷ đồng.
Ngày 6.6.2010, tuyến QL này mới được thông xe. Và chỉ sau một tuần thông xe, mặt đường đã xuất hiện nhiều "ổ voi, ổ gà" và hàng loạt vết bong tróc, đặc biệt là đoạn từ cầu Rạch Sát đến cầu Bình Thủy (đi qua địa bàn 2 phường Long Hòa và Long Tuyền của quận Bình Thủy).
Anh Bùi Trung Kiên - người dân địa phương bức xúc: "Không hiểu mấy ông mần ăn kiểu gì! Công trình vừa mới đưa vào sử dụng chưa được bao lâu đã hư hỏng, xuống cấp". Nhiều bác tài "bất ngờ", lúng túng trong việc xử lý tình huống né "ổ trâu" đã dẫn đến hàng loạt vụ tai nạn giao thông.
Điển hình như tại khu vực gần cầu Rạch Sát, liên tiếp xảy ra 3 vụ tai nạn giao thông khiến 4 người bị thương, trong đó có 1 người bị chấn thương sọ não. Và kể từ ngày chính thức thông xe cho đến nay, nhà thầu hết vá chỗ này lại đến đắp chỗ khác gây khó khăn cho người đi đường.
Đường hư do xe chạy?
Ban QLDAĐTXD TP.Cần Thơ vừa có báo cáo kết quả phúc tra độc lập và phương án xử lý hư hỏng tại một số vị trí trên tuyến QL 91B gửi Bộ GTVT, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông. Lạ lùng thay, trong toàn bộ báo cáo này đều đổ lỗi do… người dân và lưu lượng xe qua lại quá nhiều, làm cho mặt đường mau xuống cấp.
Dù như đã nêu, chỉ khoảng 1 tuần sau khi thông xe, dấu hiệu xuống cấp đã xuất hiện và chẳng lẽ người dân và xe cộ tàn phá đường nhanh đến vậy? Và báo cáo hoàn toàn chẳng đề cập gì đến trách nhiệm hay năng lực của nhà thầu cũng như của Ban QLDAĐTXD.
Theo kết quả phúc tra, mặt đường chỉ cách mực nước ngầm… 20 - 30cm. Đây là 1 trong những tác nhân làm suy giảm kết cấu móng, nền đường.
Theo ông Lê Minh Cường - Phó Giám đốc Ban QLDAĐTXD TP.Cần Thơ, sở dĩ mặt đường hư là do công tác thiết kế chưa dự báo đầy đủ sự gia tăng lưu lượng xe trên tuyến cũng như tải trọng xe quá tải, quá khổ. Đặc biệt là tải trọng nặng hơn tải trọng thiết kế rất nhiều và xe di chuyển thường xuyên với tần suất cao.
Hơn nữa, dự án này chưa xây dựng cống thoát nước. Trong khi dọc 2 bên đường, người dân xây cất công trình cao hơn mặt đường nên nước mưa ứ đọng làm mặt đường hư hỏng nhanh. Thế nhưng, ngày 24.8, phóng viên NTNN ghi nhận tại những khu vực này không có người dân ở, hai bên là đồng ruộng thì mặt đường vẫn bị hư(!).
Đức Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.