Mỹ đã điều tàu khu trục đi vào khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam hồi tháng 1 nhằm cảnh cáo các hoạt động xây dựng cơ sở nhân tạo trái phép của Trung Quốc tại khu vực này.
Tàu khu trục USS Curtis Wilbur của Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa hôm 30.1
Úc lên tiếng ủng hộ Mỹ, song vẫn chưa tiến hành bất cứ hoạt động nào tương tự.
Đầu tuần này, các hình ảnh từ vệ tinh dân sự cho thấy Trung Quốc đã điều 8 bệ phóng tên lửa đất đối không (SAM) cùng hệ thống radar ra đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chính quyền Đài Loan đã xác nhận thông tin này, trong khi đó một quan chức Mỹ giấu tên cho biết Lầu Năm Góc cũng nắm trong tay bằng chứng vụ điều động tên lửa của Trung Quốc.
Ảnh chụp vệ tinh bệ phóng tên lửa của Trung Quốc xuất hiện trên đảo Phú Lâm hôm 14.2
“Đây là hành động khiêu khích nhất của Trung Quốc từ trước đến nay,” Peter Jennings, giám đốc điều hành Viện Chính sách Chiến lược Úc nhận định.
Ông Jennings cho biết hệ thống phòng không mới được điều động là thế hệ tiếp theo của hệ thống tên lửa đã bắn hạ một máy bay của hãng hàng không Malaysia trên bầu trời phía đông Ukraine năm 2014.
Trung Quốc từ chối xác nhận hay phủ nhận thông tin nêu trên.
Bệ phóng tên lửa HQ-9 của Trung Quốc
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, hiện đang ở Bắc Kinh trong chuyến thăm 2 ngày, cho biết bà sẽ chờ cho đến khi các thông tin này được xác thực.
“Úc muốn biết Trung Quốc có những toan tính gì liên quan đến khu vực Biển Đông,” bà Bishop phát biểu.
“Mặc dù các báo cáo đưa ra vẫn chưa được xác thực, song bất kỳ hoạt động quân sự hóa nào diễn ra trên Biển Đông đều gây quan ngại sâu sắc.”
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop hội kiến với người đồng cấp Vương Nghị tại Bắc Kinh
Úc liên tục nhắc lại nước này giữ thế trung lập, nhưng ủng hộ việc các khu vực tranh chấp phải được giải quyết bằng biện pháp hòa bình.
Theo Rebecca Fabrizi, chuyên gia nghiên cứu chính sách ngoại giao của Trung Quốc tại Đại học Quốc gia Úc, việc tiến hành các hoạt động tuần tra thể hiện tự do hàng hải ở Biển Đông không phải là một lựa chọn phù hợp với Úc tại thời điểm này.
“Chúng ta cần đưa Trung Quốc quay lại bàn đàm phán với các bên,” bà Fabrizi cho hay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.