Cảnh báo ca mắc Covid-19 nhiều, tăng nguy cơ đồng nhiễm với các bệnh hô hấp

Gia Khiêm Thứ hai, ngày 24/04/2023 18:51 PM (GMT+7)
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm TP.HCM cho hay, phế cầu khuẩn gây đồng nhiễm, bội nhiễm ở bệnh nhân Covid-19 khiến việc điều trị trở nên khó khăn và kéo dài, nguy cơ để lại nhiều di chứng ở hệ thần kinh, hệ hô hấp...
Bình luận 0

Bản tin phòng chống dịch Covid-19 ngày 24/4 của Bộ Y tế cho biết có 1.907 ca mắc mới, tăng nhẹ so với ngày trước đó. Hôm nay có 227 bệnh nhân khỏi, ca thở oxy tăng lên 101. 

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu tháng 4/2023 đến nay, số ca mắc mới Covid-19 và bệnh nhân nặng phải nhập viện dù vẫn ở trong tầm kiểm soát nhưng có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, trong tuần trước (từ ngày 16/4 đến 22/4), cả nước ghi nhận hơn 12.500 ca mắc Covid-19 mới, trung bình khoảng 1.800 ca/ngày. Đây là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 cho đến nay. Đáng nói, trong 2 ngày 21 và 22/4, số lượng bệnh nhân nặng, phải thở oxy cũng tăng lên hơn 120 ca/ngày.

Cảnh báo ca mắc Covid-19 nhiều, tăng nguy cơ đồng nhiễm với các bệnh hô hấp - Ảnh 1.

Số ca mắc Covid-19 những ngày vừa qua liên tục tăng. Ảnh: Bộ Y tế

Các chuyên gia ý tế cho hay, Covid-19 đang tăng cao, số ca mắc chủ yếu ở nhóm người cao tuổi, người có nguy cơ cao như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)… 

Trong khi đó, trong thời điểm giao mùa, cúm và các bệnh đường hô hấp khác đang diễn biến phức tạp, tăng nguy cơ đồng nhiễm Covid-19 với các bệnh hô hấp do virus, vi khuẩn gây ra, từ đó tăng nguy cơ gặp biến chứng viêm phổi cấp, suy hô hấp nghiêm trọng.

Cảnh báo ca mắc Covid-19 nhiều, tăng nguy cơ đồng nhiễm với các bệnh hô hấp - Ảnh 2.

Một bệnh nhân nặng điều trị Covid-19 tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 tại Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm TP.HCM cho hay, phế cầu khuẩn gây đồng nhiễm, bội nhiễm ở bệnh nhân Covid-19 khiến việc điều trị trở nên khó khăn và kéo dài, nguy cơ để lại nhiều di chứng ở hệ thần kinh, hệ hô hấp (xẹp phổi, áp xe phổi, phù phổi, suy hô hấp), hệ vận động. 

"Đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ và người cao tuổi. Viêm phổi do phế cầu khuẩn cực kỳ nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên tới 50% ở nhóm đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ và người già. 

Ngoài ra, phế cầu khuẩn còn có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng khác như viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm tai giữa, viêm xoang… Nếu đồng nhiễm các tác nhân khác thì nguy cơ gặp biến chứng nặng như viêm màng ngoài tim, phù thũng, xẹp phổi… ở nhóm này rất cao", bá sĩ Khanh chia sẻ.

Các nghiên cứu từ các Tổ chức Y tế trên thế giới như Tổ chúc Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ,... cho biết việc tiêm chủng sớm vaccine phòng các bệnh hô hấp như vaccine cúm, vaccine phế cầu, vaccine ho gà ở giai đoạn hậu Covid-19 góp phần quan trọng để bảo vệ lá phổi, đường hô hấp, giảm mức độ lây lan cũng như cải thiện các biến chứng nặng của Covid-19, đặc biệt là với nhóm nguy cơ cao.

Vaccine cúm không chỉ phòng cúm hiệu quả 70-90%, giảm tỷ lệ tử vong mà còn giúp giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc, tránh nguy cơ đồng nhiễm virus, vi khuẩn khác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem