Cảnh báo EL Nino làm muỗi trưởng thành, chu kỳ 4 - 5 năm bùng dịch sốt xuất huyết bị phá vỡ
Cảnh báo EL Nino làm muỗi trưởng thành trong 1 tuần, nguy cơ "làn sóng" sốt xuất huyết tăng
Gia Khiêm
Thứ tư, ngày 05/07/2023 06:09 AM (GMT+7)
TS. Nguyễn Văn Dũng – Trưởng Khoa Côn trùng - Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (Bộ Y tế) cho rằng, chu kỳ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết trước đây là 4-5 năm mới lặp lại nhưng với sự biến động của thời tiết, quy luật này đã bị phá vỡ.
Ngày 4/7, trao đổi với PV Dân Việt, TS. Nguyễn Văn Dũng – Trưởng Khoa Côn trùng - Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho hay, đến thời điểm này, Việt Nam có hơn 40 nghìn ca mắc sốt xuất huyết trong đó có 8 ca tử vong. So với năm 2022 thì tình hình giảm gần 50% số người mắc.
Tuy nhiên cũng không được chủ quan vì năm 2022 có số ca mắc và tử vong vì sốt xuất huyết (49 ca tử vong) nhiều nhất trong lịch sử. Trong khoảng 2 tuần trở lại đây, số ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu tăng dần. 6 tháng đầu năm ở miền Bắc có hơn 1.000 ca mắc sốt xuất huyết (cao hơn 60% so với cùng kỳ so với năm ngoái), nên khả năng cao bùng phát dịch. Hiện tại Hà Nội là điểm nóng nhất cả nước về sốt xuất huyết. Do có mật độ dân số cao nên tỉ lệ mắc thường tăng rất nhanh.
"2022 là năm đỉnh điểm của sốt huyết và ghi nhận số ca mắc tăng cao nhất lịch sử, 2,3 tháng đầu năm nay, số ca mắc cũng không hề giảm. Thời điểm tháng 4 - 6 số ca mắc giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên con số 40.000 người mắc từ đầu năm tới nay là không hề nhỏ. Thông thường từ tháng 7 - 11 sẽ tăng lên chứ không xuống nữa", ông Dũng đánh giá.
Theo ông Dũng, năm nay Hà Nội có số ca mắc có thể sẽ rất cao, bởi so với cùng kỳ năm ngoái (năm cao lịch sử) thì số ca mắc cũng đạt tới 65%. Thời tiết nóng rất nóng mưa lại nhiều tạo điều kiện rất tốt cho sự phát triển.
Thời tiết đang mưa sau nóng kéo dài khiến chu kỳ phát triển của muỗi phát triển rất nhanh, muỗi từ trứng đến trưởng thành chủ mất 1 tuần. Mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ tới 3 lần và mỗi lần tối đa 150 trứng. Cùng với sự tăng mật độ thì việc tiếp xúc với con người, chỉ cần nguồn bệnh là sẽ bùng phát.
"Phân tích về chu kỳ lập đỉnh của sốc xuất huyết, chuyên gia nhận định hiện tượng El Nino đã thay đổi quá nhiều trong những năm gần đây. Theo chu kỳ cứ 4 tới 5 năm sốt xuất huyết sẽ có kỳ số ca mắc tăng cao. Tuy nhiên theo ghi nhận 2017, 2019, 2022 số ca mắc đạt mức cao dẫn đến việc chu kỳ bị phá vỡ", ông Dũng nói.
Cần "biến" tổ Covid cộng đồng thành tổ xử lý sốt xuất huyết cộng đồng
Theo thống kê tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết cho thấy, tích lũy từ đầu năm 2022 đến cuối năm, cả nước ghi nhận 361.813 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 133 ca tử vong. Đây là năm có số ca bệnh cao nhất trong lịch sử nước ta.
Trong tuần cuối cùng của năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước đã giảm mạnh so với các tuần trước đó của tháng 10 - 11 và đầu tháng 12 (số ca mắc thường trên 10.000 trường hợp/ tuần, thậm chí có những đợt cao điểm còn gần 12.000 ca/ tuần).
Nguyên nhân theo TS. Nguyễn Văn Dũng là do ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19 đã làm giảm miễn dịch của rất nhiều người dân, cùng với những năm chống dịch, người dân đôi khi "quên" những hành động trong việc xử lý những nơi dễ làm tổ đẻ của muỗi.
"Có những lần tôi đi công tác, một số nơi phát động phong trào chống dịch sốt xuất huyết nhưng vận động mọi người khơi thông cống rãnh, phát quang bụi cỏ. Trong khi đó loại muỗi dẫn đến bệnh sốt xuất huyết lại đẻ trong những nơi có nước sạch" TS. Dũng chia sẻ.
Trong công tác phòng bệnh sốt xuất huyết, Trưởng Khoa Côn trùng - Viện Sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương nhận thấy mô hình tổ Covid cộng đồng nếu giờ đây được "tái cơ cấu" nguyên mô hình sang làm Tổ phòng chống sốt xuất huyết thì rất hợp lý.
"Tổ Covid cộng đồng trong những ngày tháng vận động chống dịch hoạt động rất hiệu quả, không may có ca bệnh phó chủ tịch phường sẽ là tổ trưởng sẽ xử lý ngay. Trong dự thảo, nếu không may có bùng phát dịch, sẽ dùng đúng Tổ Covid cộng đồng để đi từng nhà, chính quyền đồng hành cùng chuyên môn", ông Dũng phân tích.
Hiểu sai về thuốc diệt muỗi dẫn đến việc mỗi kháng thuốc
Đối với công tác phòng bệnh sốt xuất huyết thời điểm hiện tại phương pháp hiệu quả nhất vẫn là việc dọn dẹp loại bỏ những vật dụng có thể chứa nước mưa, sẽ ngăn chặn được môi trường sinh sản của muỗi. Tâm lý sử dụng hóa chất để làm diện muỗi đang xảy ra vô cùng phổ biến, nhiều gia đình, khu phố thuê dịch vụ dùng hóa chất diệt muỗi đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ muỗi "kháng thuốc".
TS. Nguyễn Văn Dũng cho biết: "Nhiều khu cả xóm gom tiền để thuê người đến phun thuốc hay nhiều gia đình mua thuốc về tự phun cũng cần cẩn trọng. Trên thị trường hiện tại có hàng nghìn loại thuốc và người dân nên chọn những đơn vị uy tín, có đẩy đủ dụng cụ, dùng đúng những loại thuốc chính hãng để có hiệu quả tốt nhất.
Tuy nhiên hiện nay chưa có biện pháp triệt để, ngay cả việc phun mù thì chỉ có tác dụng vào 1 tiếng, khi thuốc tạo thành sương khuếch tán sẽ tác dụng lên những con muỗi trong một khu vực nhất định, còn trứng thì hôm sau lại nở thành muỗi".
Những loại thuốc diệt muỗi được làm trên công thức hóa chất được nghiên cứu và thử nghiệm trong thời gian dài, chính từ việc xử lý ổ muỗi không hiệu quả, dùng và phun thuốc vô tội vạ và không triệt để đã làm cho tình trạng kháng thuốc đang xảy ra và nghiêm trọng hơn ở những vùng thành thị. Chỉ nên phun khi hình thành ổ dịch, quan trọng nhất nên phòng chống, loại bỏ ổ bọ gậy.
"Cho đến nay không chỉ có biện pháp phòng bệnh mà thời gian tới đây vắc xin chữa sốt xuất huyết đang xin thủ tục để đăng ký cấp phép tại Việt Nam. vaccine của một hãng sản xuất thuốc tại Nhật Bản mang lại hiệu quả tốt, vừa qua cũng đã được các nước châu Âu cấp phép", TS. Dũng nói thêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.