Cảnh báo “Formosa nhiệt điện” xảy ra ở vựa lúa

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 19/09/2016 15:52 PM (GMT+7)
Sau chuyến đi khảo sát, tìm hiểu thực tế tại các nhà máy điện (nhiệt điện than, điện gió), một nhóm chuyên gia ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phối hợp với Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức hội thảo “Sự tham gia của cộng đồng trong đánh giá tác động môi trường – từ chính sách đến thực tiễn” tại TP.Cần Thơ vào hôm nay (19.9). Nhiều vấn đề “nóng”, bất cập của các nhà máy nhiệt điện được các chuyên gia “mổ xẻ” quyết liệt.
Bình luận 0

Nhiều thiếu sót, báo cáo sơ sài

PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH.Cần Thơ) cho biết: Qua tìm hiểu 2 dự án (Nhà máy nhiệt điện 1 và 3) thuộc cụm nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải (xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) cho thấy, đến nay 2 dự án này vẫn không có báo cáo đánh giá môi trường chiến lược (SEA); không có báo cáo đánh giá môi trường tích lũy (CIA), không có báo cáo kế hoạch quản lý môi trường (EPM).

img

2 dự án (Nhà máy nhiệt điện 1 và 3) thuộc Cụm nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải, Trà Vinh có báo cáo đánh giá tác động sơ sài.

“Ngoài hàng loạt những thiếu sót trên, trong đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng thiếu lập luận vì sao chọn ĐBSCL, đặc biệt là cửa sông Hậu làm nơi tập trung đặt nhà máy nhiệt điện than. Hơn nữa, cũng như không có luận chứng vì sao công nghệ, thiết bị xây dựng và vận hành đều chọn Trung Quốc mà không phải một quốc gia nào khác” - PGS Tuấn đặt vấn đề.

Cũng theo PGS Tuấn, vấn đề rất đáng quan ngại là ĐBSCL không phải là nơi có nguồn nhiên liệu than cho các nhà máy. Nguồn than ở Việt Nam chỉ có ở Quảng Ninh, khá xa đường vận chuyển đến Trà Vinh. Trong khi đó, nguồn than này đang dần cạn kiệt và tương lai sẽ phải nhập than từ Trung Quốc.

“Tương lai Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng sẽ gặp nguy cơ không đảm bảo an ninh năng lượng do phụ thuộc nguồn cung từ nước ngoài từ con ốc vít, ống khói... Hơn nữa, nhà máy nhiệt điện là nơi gây tiêu cực đến biến đổi khí hậu nhưng 2 dự án trên lại thiếu điều tra về nguồn thuỷ sản tự nhiên, không có giải pháp giảm thiểu tác động lên hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và nguồn sinh kế cộng đồng gần khu vực” – PGS Tuấn cảnh báo.

Còn theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - Chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, Cố vấn GreenID thì cho biết: ĐTM của 2 nhà máy nhiệt điện trên tham vấn cộng đồng rất sơ sài, không có ý nghĩa. Cụ thể là nhà đầu tư chỉ gửi văn bản đến UBND và Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp xã (đơn vị này vốn đại diện cho chính quyền địa phương) mà không tham vấn cộng đồng (người dân gần khu vực chịu ảnh hưởng) về tác động của nhà máy.

Cũng theo Thạc sĩ Thiện, trong báo cáo ĐTM, tính toán rằng, vùng tác động của ống khói từ nhà máy sẽ đến xã Long Khánh nhưng xã Long Khánh không được tham vấn. Ở dự án Điện gió tỉnh Bạc Liêu cũng tương tự, báo cáo ĐTM chỉ có 1 trang về tham vấn cộng đồng nhưng thật chất là nhà đầu tư chỉ tham vấn UBND Vĩnh Trạch Đông và Uỷ ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp xã bằng văn bản mà không có tham vấn cộng đồng địa phương…

Quan ngại ô nhiễm môi trường

Ông Trần Hữu Hiệp - Uỷ viên chuyên trách kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ) cho biết: ĐBSCL vốn là vùng trọng điểm về nông nghiệp. Gần đây, T.Ư cũng như các địa phương xác định hướng đi thứ hai là trở thành một trong những trung tâm năng lượng cua quốc gia và từ đó nhiều dự án lớn đã triển khai. Thế nhưng, bên cạnh giải quyết được nhu cầu phát triển điện năng cần phải đảm bảo vấn đề môi trường và có sự công bằng khi được tham gia, giám sát từ phía cộng đồng.

img

 “Tuy ĐBSCL vừa được cắt đi 5 dự án nhà máy nhiệt điện (Than An Giang, Sông Hậu III, Kiên Lương I, Kiên Lương II, Kiên Lương III) nhưng cũng được bổ sung 3 nhà máy (Long An II, Tân Phước I, Tân Phước II). Bài toán thách thức về môi trường đặt ra cũng còn rất nặng nề. Đòi hỏi phải có sự chung tay, góp sức từ nhiều phía” – ông Hiệp nói.

Bà Nguỵ Thị Khanh – Giám đốc GreenID thông tin, hiện có nhiều nhà máy nhiệt điện hiện diện ở ĐBSCL nhưng vùng này vẫn chưa có quy hoạch riêng về phát triển điện. Sản xuất than là loại hình sản xuất tiêu thụ nhiều nước nhất. Theo tính toán, để sản xuất ra 1 MWH điện cần dùng khoảng 4.163 lít nước. Chẳng hạn như lượng nước tiêu thụ riêng cho nhà máy điện Long An 1 trong 1 ngày đã gấp 3 lần hệ thống cấp nước sạch của cả TP.Hà Nội. Vấn đề về nước hiện nay rất quan trọng đối với ĐBSCL nhưng nơi đây có đến 14 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành hoặc đang xây dựng.

Cũng như bà Khanh, nhiều chuyên gia cùng kiến nghị, những thiếu sót của các dự án nhiệt điện than mà các chuyên gia phân tích trên cần được khắc phục. Ngoài ra, tới đây, cần áp dụng tối đa các giải pháp công nghệ tiên tiến, giảm nhẹ tác động môi trường, giảm tiêu hao hụt nhiên liệu, giảm phát thải. Có đánh giá rõ ràng về phương án phát triển các nguồn phát điện ở ĐSBCL cho phù hợp với nhu cầu phát triển và liên kết vùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem