Cảnh báo: Hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây sắp...hết nước
Cảnh báo: Hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây sắp...hết nước
Huỳnh Xây
Chủ nhật, ngày 26/04/2020 14:01 PM (GMT+7)
Hồ Kênh Lấp (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) - hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây đang dần cạn trơ đáy. Hiện ngành chức năng địa phương này đang lo lắng và gấp rút tìm giải pháp khắc phục.
Hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp có chiều dài gần 5km, rộng 40-100m, đây là hồ chứa nước ngọt nhân tạo lớn nhất miền Tây. Tuy nhiên, khi đưa vào sử dụng không lâu, nước trong hồ này đã bất ngờ bị nhiễm mặn và dần khô cạn đến không ngờ.
Hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp nhìn từ trên cao
Theo tìm hiểu của phóng viên, ở một số đoạn, hồ cạn trơ đáy, đất dưới lòng hồ nứt nẻ chẳng khác nào mặt ruộng bị khô hạn trong thời gian dài. Mấy ngày qua, nhà máy xử lý nước hồ Kênh Lấp đã thuê người nạo bùn dưới lòng hồ để lấy nước nhưng đây cũng chỉ giải pháp tạm thời, mang tính cầm chừng.
Một số đoạn đã trơ đáy, đất dưới lòng hồ nứt nẻ
Do nước mặn xâm nhập sâu vào tỉnh Bến Tre nói chung và huyện Ba Tri nói riêng nên từ tháng 1/2020 đã ngưng lấy nước bên ngoài vào hồ trên.
Đến thời điểm hiện tại, cao trình mực nước hồ là -1,30 m, thấp hơn 0,3m so với mực nước chết (theo hồ sơ thiết kế, mực nước chết của hồ là -1.0m; đây là mực nước khai thác thấp nhất của hồ, ở mực nước này công trình vẫn ổn định, đảm bảo khai thác vận hành bình thường) và đã xảy ra tình trạng sạt lở ở phía cuối hồ.
Nhà máy xử lý nước hồ Kênh Lấp đã thuê người nạo bùn dưới lòng hồ để lấy nước nhưng đây cũng chỉ giải pháp tạm thời, mang tính cầm chừng
Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Bến Tre, tình hình xâm nhập mặn sẽ kéo dài đến tháng 5 nên việc vận hành khai thác nguồn nước của hồ Kênh Lấp sẽ gặp rất nhiều khó khăn lớn.
Thời gian qua, cũng có đơn vị đề nghị cho nạo vét Hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp tuy nhiên ý kiến này chưa được đồng thuận. Bởi việc làm này có thể làm độ mặn tích tụ trong đất của nhiều năm trước vẫn còn sót lại chưa được rửa triệt để sẽ hoà tan vào nước làm gia tăng độ mặn.
Mặt khác, nếu nạo vét sâu thêm sẽ không đảm bảo ổn định công trình và có thể gây ra sạt lở.
Hồ trữ nước ngọt Kênh Lấp được khởi công thực hiện từ năm 2017, với tổng kinh phí khoảng 85 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương và địa phương. Đến tháng 8/2019, hồ trữ nước ngọt lớn nhất miền Tây chính thức được đưa vào sử dụng.
Theo thiết kế, hồ có sức chứa gần một triệu m3 nước. Hiện nay, hồ đảm nhận nhiệm cụ cung cấp nước ngọt cho khoảng 1.607 hộ dân các xã: An Thuỷ, Tân Thuỷ, An Hoà Tây, Bảo Thuận và cấp qua đồng hồ tổng cho Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh với công sức 2.400m3/ngày đêm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.