Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng ở 23 huyện, thành phố

Đình Thắng Thứ bảy, ngày 15/10/2016 16:01 PM (GMT+7)
Trận mưa lũ kỷ lục chưa từng có tại các tỉnh miền Trung chưa có dấu hiệu dừng lại khi 14h30 chiều nay (15.10) Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương tiếp tục cảnh báo lũ hạ lưu các khu vực sông Ngàn Sâu, sông Cả và sông La tiếp tục lên.
Bình luận 0

Ngập lụt nghiêm trọng tiếp tục diễn ra

Trong báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ngày 15.10 cho biết, bước đầu số người chết do mưa lũ thống kê được hiện đã lên đến 5 người (Quảng Bình 3, Thừa Thiên Huế 2), 4 người mất tích (Quảng Bình 4), 12 người bị thương (Quảng Trị 3, Huế 2, Quảng Bình 7); bị sập 7 nhà, hư hại 764 nhà, bị ngập 27.184 nhà (trong đó Quảng Bình 26.920 nhà, Thừa Thiên Huế 186 nhà, Quảng Trị 78 nhà).

Về nông nghiệp có 202 ha hoa màu, 42 ha cây lâu năm, 470 ha cây trồng hàng năm, cây ăn quả bị ảnh hưởng thiệt hại; 2.400 cây xanh đô thị bị đổ, gãy; 200m kênh mương, 200m bờ sông, 205m đường giao thông bị sạt lở.

Trong khi người dân còn đang chống chọi với trận mưa lũ kỷ lục, thì hiện lại đang có một cơn bão mạnh tiến vào biển Đông, cơn bão này có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.

Bà Đặng Thanh Mai, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương nhận định: “Từ sáng 16.10, vùng biển phía Đông Bắc biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua cấp 13-14, giật cấp 15-16, biển động dữ dội. Đến 1h ngày 17.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,3 độ Vĩ Bắc; 116,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 680 km về phía Đông, sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 14-15”.

img

Ngập lũ tại thị trấn Hương Khê.

Đánh giá về cơn bão này, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia Lê Thanh Hải cho rằng: “Đây là cơn bão rất mạnh, cường độ hiện cấp 12-13, giật 15-16. Nhiều khả năng bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta vào giữa tuần tới, có thể lặp lại đợt mưa lũ lớn cho các tỉnh miền Trung, thậm chí còn gây mưa trái mùa ở đồng bằng Bắc Bộ”. 

Huy động tối đa lực lượng khắc phục hậu quả

Đối với tình hình mưa, lũ ở khu vực Bắc Trung Bộ, Phó giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia Lê Thanh Hải đánh giá: “Đây là kỷ lục chưa từng được ghi nhận trong lịch sử quan trắc ở Quảng Bình. Kỷ lục cũ ở tỉnh này là mưa 555 mm trong 24 giờ, ngày 9.10.1995. Mưa lớn khiến Quảng Bình ngập sâu, người dân có thể cảm thấy bất ngờ, dù trước đó ngành khí tượng đã cảnh báo. Tại Hà Tĩnh, lượng mưa cũng rất lớn, có thể sánh bằng trận mưa năm 2010, gây ngập nặng cho hầu khắp tỉnh”.

Lý giải về trận lũ bất thường này, ông Hải cho biết: “Theo quy luật, các đợt mưa lũ của miền Trung xảy ra vào tháng 9-11, nguyên nhân là dải hội tụ nhiệt đới; hoặc áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh; hoặc bão cùng không khí lạnh. Đợt mưa này không nằm ngoài quy luật, vùng áp thấp ở biển Đông mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới, tiến vào Thừa Thiên - Huế đêm 13.10 và kết hợp với không khí lạnh gây mưa diện rộng cho các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Nghệ An.

Để đối phó với diễn biến mưa lũ tiếp tục xảy ra ở các tỉnh miền Trung, ông Nguyễn Đức Quang – Phó chánh văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết: “Các tỉnh miền Trung cần huy động tối đa lực lượng vào cuộc khẩn trương sơ tán dân, bố trí hướng dẫn giao thông tại những khu vực thường xuyên bị ngập lụt; vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất; các ngầm, tràn; các bến đò ngang, đò dọc. Đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ còn tiếp diễn để có biện pháp ứng phó chủ động”.

Đối với cơn bão gần biển Đông, ông Quang cho hay: “Chiều 16.10 Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ có cuộc họp để triển khai các phương án ứng phó cụ thể. Trước mắt các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, kiểm đếm tàu thuyền, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh, có kế hoạch sản xuất phù hợp. Duy trì phương tiện, lực lượng để sẵn sàng xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra”.

Bản tin lúc 14h30 chiều 15.10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đưa ra dự báo: Đến đêm nay, mực nước trên các sông Cả tại Nam Đàn (Nghệ An) có khả năng lên mức 4,3 m, dưới mức BĐ1 1,1 m; sông La tại Linh Cảm (Hà Tĩnh) lên mức 4,5 m, ở mức BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi; ngập lụt nghiêm trọng tiếp tục diễn ra ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình trọng tâm là 23 huyện, thành phố sau:

Nghệ An: Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Châu, Con Cuông, Anh Sơn, Quỳ Hợp, Đô Lương, Thanh Chương, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn.

Hà Tĩnh: Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, TP.Hà Tĩnh.

Quảng Bình: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy, TP.Đồng Hới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem