Năm ngoái, gần Tết Trung thu thì xảy ra trận bão số 9 tàn phá dữ dội nhiều tỉnh miền Trung. Năm nay, bão vào chậm hơn năm ngoái, nhưng chỉ một “khúc dạo đầu” của mưa lũ kéo dài trong 3 ngày, thì ở nhiều địa phương tại miền Trung (gồm cả Bắc và Nam Trung bộ) tình trạng ngập úng đã xảy ra, giao thông bị chia cắt, kèm những thiệt hại đau lòng về con người và tài sản của nhân dân.
Những “dồn nén” bất thường của thời tiết của thiên nhiên đều báo trước những tai họa đột biến. Có thể năm nay lượng mưa ở miền Trung sẽ không được phân bố đều trong cả một thời gian dài, nhưng có thể sẽ diễn ra lũ lụt trong khoảng thời gian ngắn. Và điều đó sẽ là tai họa cho miền Trung. Ngay từ giờ, chắc chắn cần phải triển khai tất cả những phương án chống lũ lụt.
Kinh nghiệm một số năm gần đây cho thấy, bão có sức tàn phá dữ dội trong một vài ngày, nhưng lũ lụt mới là “hung thần” đáng sợ nhất đối với nhân dân miền Trung. Như năm ngoái, một số hồ thủy điện xả lũ vào cao điểm mưa bão đã khiến bão đi cùng với lũ, và ở nhiều địa phương như Phú Yên hay Quảng Nam, lũ lụt đã dâng lên với một tốc độ khủng khiếp, vượt ngưỡng những đỉnh cao lũ lụt năm 1964 và 1970. Thiên tai cùng với “nhân tai” đã hợp sức cùng lúc tàn phá miền Trung, và đó là điều không thể cho phép xảy ra trong mùa bão lũ năm nay.
Từ chỗ thiếu nước, có thể tới khi gặp mưa lũ dữ dội, các hồ chứa nước thủy điện ở miền Trung sẽ “xả lũ” để tự bảo vệ mình, bất chấp tính mạng và tài sản của nhân dân không được ai bảo vệ. Chuyện “tự cứu mình” bất chấp hại người ấy đã xảy ra năm ngoái, và đã gây thiệt hại cho nhân dân.
Đó là điều cần được các cơ quan chức năng mà cơ quan điều hành là Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm chính. Ngay từ giờ, có lẽ cần họp ngay với các “ông chủ thủy điện” ở miền Trung, cùng với lãnh đạo các địa phương có các hồ thủy điện, để cùng bàn các phương án đối phó hữu hiệu khi xảy ra bão lũ dữ dội và bất ngờ.
Đừng để khi xảy ra tai họa thì tìm cách chống chế và đổ lỗi cho nhau, cuối cùng đổ lỗi cho… trời.
Thanh Thảo
Vui lòng nhập nội dung bình luận.