Tai nạn bỏng khí ga khiến bàn tay biến thành "khổng lồ"
Mới đây, khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh) đã tiếp nhận 1 trường hợp bị tai nạn bỏng với hai bàn tay bị bỏng nặng nề.
Bệnh nhân là L.V. T (55 tuổi, trú tại phường Bạch Đằng, TP Hạ Long, Quảng Ninh). Trong quá trình sinh hoạt, bệnh nhân không may bị bỏng khí ga khiến hai bàn tay sưng phồng, rộp nước hoàn toàn.
Sau thăm khám đánh giá, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bỏng độ II, III nông toàn bộ bàn và ngón tay hai bên với diện tích 10%. Bệnh nhân đã được cắt lọc và làm sạch tổ chức da bị hoại tử, băng ép sạch, kết hợp bù dịch, sử dụng kháng sinh, giảm đau, chống viêm toàn thân, tư vấn dinh dưỡng đầy đủ, không kiêng khem.
Sau 10 ngày được đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc và điều trị tích cực, các tổn thương đỏ rát, sưng tấy trên bàn tay của bệnh nhân T. đã lên da non, gần như phục hồi hoàn toàn, có thể tiếp xúc vận động và sinh hoạt bình thường.
Theo bác sĩ Lê Xuân Thịnh, khoa Chấn thương chỉnh hình, trung bình 1 tháng, bệnh viện thăm khám và điều trị cho khoảng 20-30 ca bỏng mức độ từ nhẹ đến nặng, có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây.
Bác sĩ Thịnh chia sẻ: “Thông thường, những ca bỏng nhẹ chỉ sưng đỏ, đau rát ngoài da thì sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ cấp đơn thuốc cho bệnh nhân điều trị tại nhà. Trường hợp bỏng mức độ nặng, tổn thương bỏng rộng và sâu, đau nhiều thì bệnh nhân cần nhập viện để được chăm sóc và điều trị tích cực, giảm nguy cơ di chứng về sau.
Khoa Chấn thương chỉnh hình thời gian qua tiếp nhận khá đông bệnh nhân bỏng nhập viện, có tuần điều trị nội trú cho hơn chục ca bỏng do nhiều nguyên nhân khác nhau, như: nước sôi, cồn, lửa, ống bô, điện, hóa chất... ở tất cả các độ tuổi từ trẻ đến già.
Đặc biệt, chúng tôi đã từng điều trị cho những trường hợp trẻ dưới 1 tuổi cho đến cụ già 70 – 80 tuổi, nhưng đa số thường gặp nhất là những đối tượng trong độ tuổi lao động, do họ thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ trong quá trình sinh hoạt hay từ công việc hàng ngày”.
Điều bác sĩ Thịnh lo lắng chính và việc điều trị tai nạn bỏng khá có khăn và có nhiều nguy cơ biến chứng, diễn biến nặng. Nếu sơ cứu không đúng sẽ khiến vết thương nặng hơn và nhiễm khuẩn, gây khó khăn trong điều trị.
“Nguy hiểm với những trường hợp bỏng như bệnh nhân T. là tình trạng sốc bỏng, nhiễm độc bỏng cấp tính, biến chứng nhiễm khuẩn… có thể khiến bệnh cảnh thêm nặng nề, làm suy giảm miễn dịch đề kháng, gây rối loạn chức năng toàn thân.
Để điều trị bỏng hiệu quả thì cần đánh giá đúng mức độ, tình trạng tổn thương bỏng và diễn tiến bệnh để có phác đồ điều trị tích cực, tối ưu nhất. Bên cạnh đó, việc sơ cứu bỏng đúng cách ngay sau khi gặp nạn cũng sẽ giúp nâng cao hiệu quả điều trị, hạn chế những di chứng nặng nề về sau”, bác sĩ Thịnh khuyến cáo.
Cẩn trọng khi làm việc, sinh hoạt tránh bị tai nạn bỏng
Bác sĩ Thịnh cũng cung cấp thông tin, hàng năm, số nạn nhân bỏng trong cả nước khoảng 800.000 đến 1 triệu nạn nhân (xấp xỉ 1% dân số), trong đó có khoảng 18.000 đến 20.000 nạn nhân nhập viện điều trị nội trú.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, cứ 100 bệnh nhân bỏng có 3-5 người tử vong và có hơn 30 người bị di chứng về sau. Bỏng dù diện tích nhỏ nhưng cũng có thể gây ra tình trạng sốc, nhiễm khuẩn, nhiễm độc, dẫn đến tử vong.
Hơn nữa, thương tích do bỏng gây đau đớn và nếu không được xử lý tốt sẽ để lại sẹo, di chứng, gây gánh nặng về tinh thần và kinh tế cho gia đình nạn nhân và xã hội.
"Bỏng là một tai nạn thường gặp trong cuộc sống và sinh hoạt, gây ra tổn thương đau đớn, nếu không được xử trí tốt có thể để lại sẹo cùng nhiều di chứng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống về sau.
Do đó, người dân cần cẩn trọng hơn trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu làm việc ở môi trường dễ có nguy cơ cháy nổ cần đảm bảo an toàn lao động thật tốt", bác sĩ Thịnh nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.