Một báo cáo của LHQ mới được công bố về tình hình thu nhập của người dân ở các quốc gia trên thế giới đã đi tới kết luận rằng, sau 40 năm, mức độ chênh lệch về thu nhập giữa các nước chậm phát triển với các nước đang phát triển và phát triển không giảm đi mà còn có chiều hướng tăng lên.
Báo cáo này cũng cho rằng nếu chiều hướng ấy tiếp tục trong thời gian tới thì LHQ không thể đạt được đầy đủ những Mục tiêu Thiên niên kỷ như đã cam kết.
Những kết luận ấy của bản báo cáo chẳng khác gì những lời cảnh báo đối với tất cả các quốc gia trên Trái đất. Khoảng cách về thu nhập tính theo đầu người là một trong những chỉ số biểu hiện mức độ phát triển của đất nước và mức sống của người dân. Chênh lệch về thu nhập có nghĩa là chênh lệch về trình độ phát triển, về mức độ thịnh vượng và về mức độ ổn định chính trị xã hội, về mất cân đối và công bằng trong quan hệ quốc tế.
Nguyên nhân nằm ở chính các quốc gia và ở cả trong mối quan hệ giữa các quốc gia và khu vực. Các nước chậm phát triển phải nỗ lực vươn lên và cải cách, phải tăng cường đầu tư cho giáo dục và chống tham nhũng, phải triệt để cải tổ cơ cấu kinh tế và hội nhập quốc tế. Nhưng các nước phát triển và đang phát triển cũng phải có trách nhiệm hậu thuẫn và hợp tác để giúp các nước chậm phát triển.
Cùng với lời cảnh báo về thực trạng hiện tại là sự nhắc nhở tất cả các quốc gia về trách nhiệm chung và riêng ấy. Thu nhập là chuyện riêng của từng con người và từng quốc gia, nhưng tác động từ đấy lại ảnh hưởng tới tất cả, tới an ninh và ổn định chung cho cả khu vực và thế giới bởi liên kết, hội nhập và toàn cầu hóa đã khiến cho tất cả tùy thuộc lẫn nhau. Báo cáo trên phác họa bức tranh ảm đạm, nhưng ẩn chứa thông điệp với ý nghĩa sâu sắc.
Huệ Như
Vui lòng nhập nội dung bình luận.