Theo bác sĩ Chử Thị Hồng Ninh, Bộ môn Khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Quân y 103), ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em (Pediatric Obstructive Sleep Apnea - POSA) là một trong các hội chứng rối loạn giấc ngủ ở trẻ em xảy ra do đường thở trên bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ và dẫn đến ngưng thở trong khi ngủ.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em có thể diễn một hoặc nhiều lần trong một đêm và chiếm tỷ lệ khoảng 2 % tổng số ca ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
"Triệu chứng phân biệt giữa ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em và người lớn đó là vào ban ngày người lớn thường có triệu chứng buồn ngủ trong khi trẻ em có biểu hiện sinh hoạt khác lạ so với thường ngày.
Chẩn đoán và điều trị sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng, phát triển nhận thức và hành vi của trẻ", bác sĩ Ninh nhấn mạnh.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em
Theo bác sĩ Ninh, chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em thường liên quan đến amidan và vòm họng to. Trong khi đó, ở một số trẻ em, béo phì cũng là một trong những nguyên nhân của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
Các nguyên nhân cơ bản khác có thể bao gồm: dị tật bẩm sinh sọ mặt (ví dụ: chứng hàm nhỏ, hàm tụt sau, nền sọ góc cạnh quá mức, thiểu sản mặt lõm giữa); rối loạn thần kinh cơ; tác dụng phụ của một số loại thuốc tân dược (thuốc an thần, opiod).
Các yếu tố nguy cơ khác của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em có thể bao gồm: hội chứng down, bại não, bệnh hồng cầu hình liềm, tiền sử sinh nhẹ cân, tiền sử gia đình mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn.
"Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như chậm phát triển, các bệnh lý tim mạch, nặng hơn nữa có thể tử vong", bác sĩ Ninh chia sẻ.
Triệu chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn ở trẻ em
Bác sĩ Ninh cho biết, cha mẹ cần nhận biết triệu chứng ngưng thở do tắc nghẽn ở trẻ em để đưa trẻ đi khám và điều trị sớm.
Các triệu chứng bao gồm: ngáy, khó thở khi ngủ, ngủ không ngon giấc, khịt mũi, ho hoặc nghẹt thở, thở bằng miệng, đổ mồ hôi ban đêm, đái dầm, hay nằm sấp hoặc nằm nghiêng khi ngủ, ngủ mơ.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị ngưng thở khi ngủ không phải lúc nào cũng ngáy, chúng có thể chỉ bị rối loạn giấc ngủ.
Vào ban ngày, các triệu chứng có thể gồm: học tập bị suy giảm, gặp khó khăn trong tập trung chú ý, có hành vi bất thường, tăng cân chậm, hiếu động.
"Hãy đến gặp bác sĩ nếu con bạn thức dậy vào buổi sáng cảm thấy mệt mỏi và thường xuyên có các hành vi bất thường.
Đồng thời, gia đình cần có các biện pháp phòng ngừa như: Tránh các chất kích ứng, gây dị ứng đường thở: ví dụ khói thuốc lá, bụi bẩn; cho trẻ giảm cân; Thở oxy đêm bổ sung để giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu oxy máu cho đến khi có thể điều trị dứt điểm", bác sĩ Ninh khuyến cáo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.