Cảnh giác với triệu chứng vẹo cột sống khởi phát sớm ở trẻ

Diệu Linh (ghi) Thứ ba, ngày 09/01/2024 06:06 AM (GMT+7)
Theo các bác sĩ, vẹo cột sống khởi phát sớm có thể xảy ra với trẻ dưới 10 tuổi, cha mẹ cẩn phát hiện, điều trị sớm cho trẻ.
Bình luận 0

PGS.TS Đinh Ngọc Sơn – Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, vẹo khởi phát sớm (EOS) được định nghĩa là những đường cong cột sống lớn hơn 10 độ và khởi phát trước 10 tuổi.

"Vẹo cột sống khởi phát sớm có thể tiến triển chậm, không tiến triển, hoặc tiến triển rất nhanh gây biến dạng lớn về cột sống, lồng ngực, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh.

Phát hiện sớm và chiến lược điều trị đúng là yếu tố quan trọng giúp đạt được thành công trong kiểm soát và đạt được tối đa hiệu quả phương án điều trị", PGS Sơn nhấn mạnh. 

Cảnh giác với triệu chứng vẹo cột sống khởi phát sớm ở trẻ- Ảnh 1.

PGS.TS Đinh Ngọc Sơn thăm khám cho 1 trẻ nghi bị vẹo cột sống. Ảnh BVCC

Theo PGS Sơn, vẹo cột sống trong giai đoạn đầu hoặc vẹo cột sống nhẹ, nếu bố mẹ hoặc bác sĩ không quan sát kĩ rất khó phát hiện ra triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên cũng có rất nhiều dấu hiệu giúp bố mẹ cũng như bác sĩ phát hiện sớm ra vẹo cột sống ở trẻ nhỏ. 

Các dấu hiệu vẹo cột sống sớm ở trẻ

Mất cân bằng vai

Đối vẹo cột sống làm biến dạng cột sống điều này có thể ảnh hưởng tới vai. Đặc biệt vẹo cột sống ngực làm cho hai vai bệnh nhân không cân bằng, bên cao bên thấp.

Đây là dấu hiệu khá giá trị, nếu cha mẹ nhận thấy con có triệu chứng này nên cho con khám sớm để phát hiện sớm vẹo cột sống.

Bướu sườn, hoặc bướu thắt lưng

Cảnh giác với triệu chứng vẹo cột sống khởi phát sớm ở trẻ- Ảnh 2.

Vẹo cột sống nặng gây mất cân bằng thân mình và bướu sườn. Ảnh minh họa BSCC

Vẹo cột sống làm thân đốt sống xoay, tạo ra các vùng gồ cao trên thân mình trẻ; Vẹo cột sống vùng ngực gây bướu sườn (vùng nhô cao) trên ngực đặc biệt vùng xương bả vai; Vẹo cột sống thắt lưng tạo ra vùng gồ lên tại ví trí eo và thắt lưng của trẻ. Đây là những dấu hiệu khá đặc hiệu để giúp chẩn đoán vẹo cột sống.

Mất cân bằng thân mình

Vẹo cột sống biến dạng thân mình, đôi khi làm trẻ đi bị lệch một bên.

Trẻ đứng thẳng hai tay áp sát thân mình, nếu nhìn kĩ cha mẹ sẽ thấy khoảng trống giữa tay và thân mình trẻ hai bên sẽ khác nhau, một bên rất rộng, một bên hẹp lại.

Nghiệm pháp Adam

Cảnh giác với triệu chứng vẹo cột sống khởi phát sớm ở trẻ- Ảnh 3.

Nghiệm pháp Adam để phát hiện trẻ có bị vẹo cột sống hay không. Ảnh minh họa BSCC

Trẻ đứng thẳng hai chân chạm nhau, từ từ cúi thẳng người về trước, lúc này bướu sườn và bướu thắt lưng trẻ sẽ lộ rõ. Đây là biện pháp sàng lọc tốt nhất phát hiện vẹo cột sống ở trẻ nhỏ tại gia đình và trường học.

Nguyên nhân vẹo cột sống

PGS Sơn cho biết, có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới vẹo cột sống, tựu chung có thể chia thành 4 nhóm sau:

- Vẹo cột sống bẩm sinh: do bất thường trong mang thai và hình thành cột sống như vẹo do dị tật thân đốt sống…

- Vẹo thần kinh cơ: do bất thường về hệ cơ, thần kinh như bệnh bại não…

- Vẹo do hội chứng như: vẹo trong bệnh u xơ dây thần kinh…

- Vẹo cột sống vô căn: không tìm thấy căn nguyên nào.

"Chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rõ yếu tố nguy cơ trong vẹo cột sống. Các nghiên cứu chỉ ra không có mối liên quan giữa việc ngồi học và vẹo cột sống. Tuy nhiên có một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ: gia đình có người vẹo, mang thai có bất thường thai sản, thuốc, bất thường về gen…", PGS Sơn phân tích. 

PGS Sơn khuyến cáo, vẹo cột sống khởi phát sớm nếu không phát hiện kịp thời gây biến dạng lớn cột sống và lồng ngực, ảnh hưởng tới chức năng tim phổi. Vẹo khởi phát quá sớm có thể ảnh hưởng tới hô hấp, thậm chí gây tử vong.

Các cách điều trị vẹo cột sống

Để điều trị vẹo cột sống, PGS Sơn cho biết, tùy theo mức độ nặng nhẹ, độ tuổi, sự tiến triển, chất lượng xương, chức năng tim phổi mà có phương án điều trị khác nhau. 

Ở mức độ vẹo cột sống nhỏ, ít nguy cơ tiến triển thì theo dõi định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần. 

Với mức độ cong vẹo cột sống có đường cong lớn, nguy cơ tiến triển nặng cần điều trị bó bột/ áo nẹp giúp ngăn chặn tiến triển đường cong, hoặc trì hoãn thời gian phẫu thuật để cột sống phát triển tối đa.

Với vẹo cột sống tiến triển nhanh, vẹo nặng, nguy cơ cao thì phẫu thuật là biện pháp hiệu quả nhất. 

Điều trị phẫu thuật: với vẹo tiến triển nhanh, vẹo nặng, nguy cơ cao, phẫu thuật là biện pháp rất hiệu quả.

" Nếu cha mẹ nhận thấy những dấu hiệu bất thường của con như phần triệu chứng hãy cho con khám sớm để phát hiện sớm. Đồng thời tập luyện chủ yếu phát triển thể chất cho trẻ, rất ít tác dụng thay đổi mức độ vẹo. Tuy nhiên tập luyện giúp phát triển tốt thể chất và chức năng hệ tim phổi, đây cũng là biện pháp phối hợp hữu hiệu", PGS Sơn khuyến cáo.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem