Cảnh sát giao thông có được dùng vũ lực trấn áp người vi phạm giao thông?

Theo Diệp Anh/Báo Giao thông Thứ bảy, ngày 30/04/2022 20:24 PM (GMT+7)
Luật sư cho biết, CSGT được phép sử dụng vũ lực để trấn áp người vi phạm trong một số trường hợp nhất định.
Bình luận 0

Liên quan đến việc một CSGT có hành vi lên gối, vật ngã và dùng chân đạp một nam thanh niên ngay ngã tư giao lộ Võ Văn Kiệt - Ký Con (thuộc địa bàn quận 1, TP.HCM), Phòng CSGT TP.HCM đã thông tin, do người vi phạm cố tình tăng ga, tông thẳng vào người CSGT buộc vị CSGT phải kéo và quật ngã nam thanh niên xuống đường.

Sự việc khiến nhiều người băn khoăn hỏi: "CSGT có được dùng vũ lực để trấn áp người vi phạm? Nếu được dùng vũ lực thì trong trường hợp nào?".

Cảnh sát giao thông có được dùng vũ lực trấn áp người vi phạm giao thông? - Ảnh 1.

Hình ảnh CSGT Công an TP.HCM khống chế người vi phạm. Ảnh cắt từ clip.

Ngày 27/4, trao đổi với PV Báo Giao thông, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoạn luật sư TP Hà Nội) cho hay: Khoản 3 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA về quyền hạn của cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ quy định, CSGT có những quyền như dừng các phương tiện giao thông đường bộ; kiểm soát giấy tờ của phương tiện, người tham gia giao thông; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực mình phụ trách hay sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.


Thông tư không quy định CSGT có quyền đánh người vi phạm hay dùng vũ lực với người vi phạm.

Tuy nhiên, Nghị định 208/2013/NĐ-CP đã quy định rõ, trong lúc làm nhiệm vụ nếu gặp phải chống đối, người thi hành công vụ giải thích cho người vi phạm biết lỗi mắc phải, yêu cầu chấm dứt ngay hành vi. Nếu họ không chấp hành, người thi hành công vụ có thể sử dụng biện pháp bắt giữ, cưỡng chế.


Nếu thấy đối tượng manh động đến mức có thể đe dọa đến tính mạng của mình, CSGT được phép dùng công cụ hỗ trợ hoặc vũ thuật để khống chế đối tượng. Mục đích cuối cùng chỉ là khống chế đối tượng chứ không phải là sát thương.


"Trong trường hợp bị tấn công bằng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì CSGT được sử dụng ngay vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phòng vệ, khống chế bắt giữ người chống đối. Biện pháp đặc biệt được áp dụng là cho phép nổ súng theo quy định của Pháp lệnh Quản lý, sử dụng súng, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ", luật sư Cường thông tin thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem