Dáng người đậm, giọng nói ấm, đại tá Lê Việt Hà (Phó trưởng phòng cảnh sát truy nã, PC52, Nghệ An) dù lập nhiều thành tích trong 30 năm công tác nhưng luôn khiêm tốn mỗi khi nói về bản thân. "Như có sự sắp đặt của số phận, tôi sinh ra là để đối đầu với tội phạm nên chưa khi nào thấy chán nghề", ông Hà mở đầu cuộc trò chuyện.
Năm 1992, mới làm nghề hình sự được vài năm, trong đêm truy bắt Nguyễn Văn Toản, nghi can vụ ném lựu đạn và đánh người gây thương tích, ông Hà và tổ công tác bất ngờ bị Toản cùng 6 đàn em bất ngờ chặn đường cầm dao, kiếm và côn gỗ tấn công.
Bị thương nặng ở vùng đầu, tay và lưng nhưng ông vẫn cố tước hung khí và khống chế được Toản. Thấy tên cầm đầu hung hãn nhất phải quy phục, những kẻ còn lại tháo chạy nhưng không thoát.
Đại tá Lê Việt Hà. Ảnh: Hải Bình
Đầu năm 2008, tại thành phố Vinh xảy ra vụ ném mìn vào nhà nhau để trả thù. Việc điều tra đang bế tắc thì một đêm có người gọi tới điện thoại của ông Hà hỏi dò vụ việc. Chỉ mấy giây trò chuyện, vị cảnh sát hình sự nhiều kinh nghiệm xác định giọng nói là của người quê ở huyện Thanh Chương.
Điều tra theo hướng này, các trinh sát xâm nhập băng nhóm Hoàng "Cậy" trú ở huyện Đô Lương khi phát hiện chúng thường câu kết với một băng tội phạm ở huyện Thanh Chương. Từ đây kẻ cầm đầu nhóm ở Thanh Chương được xác định là Hoàng - người có mâu thuẫn với nạn nhân.
Sau thời gian mất thông tin về Hoàng, đêm 23.10.2008 nhận được tin Hoàng "Cậy" vừa cầm dao truy sát cảnh sát giao thông, anh Hà cùng đồng đội lập tức triển khai lực lượng vây bắt. Đêm hôm đó, các trinh sát đã vay bắt được Hoàng. 13 đàn em của tên này sau đó bị bắt, tang vật thu 6kg thuốc nổ, mìn tự chế...
“Sau mỗi chuyên án, tôi nhận không ít cuộc gọi đe dọa sẽ trả thù bằng luật rừng và đều khuyên chúng 'quay đầu lại là bờ'", đại tá Hà nói.
Gần 30 năm gắn bó với cảnh sát hình sự, năm 2010 anh Hà về công tác ở Phòng Cảnh sát truy nã Nghệ An. Kinh nghiệm phá án và nắm bắt tâm lý tội phạm của lính hình sự dày dặn đã giúp anh cùng đồng đội tìm ra nhiều kẻ đang trốn tuy nã.
Đầu năm 2014, các anh nhận được đề nghị của Ban giám thị Trại 3 (Bộ Công an) phối hợp truy bắt Lưu Văn Tiến (56 tuổi) bị kết tội chiếm đoạt tài sản, cùng đồng bọn dùng súng AK chiếm đoạt tài sản với án phạt 20 năm tù. 24 năm trước, Tiến đã vượt ngục và bị Cục Cảnh sát hình sự truy nã đặc biệt.
Đại tá Hà chỉ đạo tổ công tác nghiên cứu tài liệu thì nhận tin báo 10 năm trước có người từng gặp Tiến ở Đồng Nai và Đăk Lăk, Lâm Đồng tuy nhiên thời gian quá dài nên mất giá trị.
Dù "mò kim đấy bể", trinh sát cũng có thông tin Tiến đang điều trị bệnh ở Đồng Nai hoặc Lâm Đồng với cái tên Ba, Hùng hoặc Dũng. Tuy nhiên xác minh tại hai địa phương này và các nơi lân cận đều không có kết quả.
Tia hy vọng lóe lên khi một bác sĩ ở bệnh viện Long Thành (Đồng Nai) cho hay thấy bệnh nhân có nét mặt giống với Tiến từng đến khám nhưng không nằm nội trú. Tiếp tục rà soát nhiều ngày, trinh sát nắm được nguồn tin Tiến chuyển tới chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Rà soát 1.500 hồ sơ bệnh nhân, cảnh sát vẫn không thấy ai có đặc điểm như Tiến.
Đại tá Hà lấy danh sách 17 bệnh nhân đến từ tỉnh Đồng Nai, trong số này có 9 nam giới. Nghi ngờ Tiến nằm trong số này, măc dù tên tuổi, quê quán đã được thay đổi, đại tá Hà khoác áo blouse tiếp cận tất cả. Tại phòng của bệnh nhân mang tên Phạm Khắc Anh (sinh năm 1958, trú xã Xuân Thiện, Thống Nhất, Đồng Nai), anh thấy ngờ ngợ.
Sau khi kiểm tra một số thông tin, bắt chắc nghi can sẽ khăng khăng nói quê ở Đồng Nai, anh Hà lập tức nói phủ đầu: "Tiến à, trốn lâu quá rồi đấy về trả nợ tù đi...". Nghe câu nói của "bác sĩ", bệnh nhân này lập tức thay đổi sắc mặt, thừa nhận chính là kẻ trốn trại 24 năm trước...
Với những thành tích trong nghề, đại tá Hà được tặng Huân chương Chiến Công hạng Ba trong công tác đấu tranh tội phạm và truy bắt đối tượng truy nã cùng nhiều bằng khen của Chính phủ và Bộ Công an...
Hải Bình (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.