Canh tác cà phê thông minh: Hiệu quả sự phối hợp giữa nhà khoa học và khuyến nông

Quang Sung Thứ tư, ngày 13/03/2024 05:41 AM (GMT+7)
Để canh tác cà phê thông minh và bền vững, cần có sự phối hợp giữa nhà khoa học, cơ quan khuyến nông, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và nông dân.
Bình luận 0

Được triển khai thực hiện từ tháng 6/2023 tại 5 tỉnh Tây Nguyên với 15 huyện trọng điểm trồng thuần cà phê và trồng xen với sầu riêng, hồ tiêu, đến nay chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2023 - 2025 đã gần tròn một năm thực hiện. Những vườn cà phê được chọn tham gia mô hình đang phát triển tốt, có nhiều tín hiệu khả quan.

Canh tác cà phê thông minh và bền vững cần có sự phối hợp đa ngành

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Bộ – nguyên Giám đốc Viện KHKT Nông nghiệp Việt Nam, chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại Tây Nguyên được triển khai sau chương trình canh tác lúa bền vững rất thành công tại ĐBSCL. Chương trình nhằm đóng góp giải pháp toàn diện về phát triển cà phê bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giảm phát thải khí nhà kính.

Canh tác cà phê thông minh: Hiệu quả sự phối hợp giữa nhà khoa học và khuyến nông- Ảnh 1.

Phân bón là một trong những yếu tố được can thiệp trong quy trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại Tây Nguyên. Ảnh: Quang Sung

“Quy trình canh tác này liên tục được cập nhật từ những quy trình đang có của Nhà nước, của các viện, trường, các tổ chức phi chính phủ và người dân để điều chỉnh cho thật sự phù hợp. Thông qua quy trình, các mô hình thành công cụ thể sẽ nhân rộng đến nhiều khu vực”, PGS.TS Nguyễn Văn Bộ cho hay.

Chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại Tây Nguyên có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền. 

Mỗi đơn vị có một thế mạnh nhất định, do đó sự hợp tác của ba đơn vị góp phần đưa ra giải pháp có cơ sở khoa học nhất, phù hợp và tiên tiến nhất cho quy trình.

Về phía Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, TS Phạm Anh Cường - Trưởng phòng Nghiên cứu phát triển cho biết, chương trình lần này nhằm tìm ra những tồn tại, hạn chế và đề xuất gói kỹ thuật canh tác thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu tại các tỉnh Tây Nguyên.

Canh tác cà phê thông minh: Hiệu quả sự phối hợp giữa nhà khoa học và khuyến nông- Ảnh 3.

T.S Phạm Anh Cường - Trưởng phòng nghiên cứu phát triển Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền (bên phải) thăm vườn cà phê nằm trong mô hình. Ảnh: Quang Sung

Công ty sẽ đưa ra những bộ sản phẩm phân bón mới phù hợp cho sản xuất cà phê (trồng thuần, trồng xen), giúp hiệu quả kinh tế cao; có tác dụng ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của đất, hạn chế bệnh hại từ đất và giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời trong quá trình canh tác, quy trình chăm sóc liên tục được điều chỉnh để cho hiệu quả tối ưu nhất.

Làm tốt công tác khuyến nông, giúp mở rộng mô hình

Theo TS Trương Hồng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên, canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trước hết cần thực hiện một số việc như: tăng cường sử dụng giống mới, mua giống đúng nguồn gốc.

Canh tác cà phê thông minh: Hiệu quả sự phối hợp giữa nhà khoa học và khuyến nông- Ảnh 4.

Chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” được triển khai từ năm 2023, tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Ảnh: Quang Sung

Đối với cà phê ghép nên trồng theo hàng, bởi vì mỗi giống là một đặc điểm khác nhau nên trồng theo hàng giúp dễ quản lý, dễ thu hoạch. Đa dạng hóa sản phẩm trên vườn cà phê như trồng xen các loại cây khác, nhưng trồng xen phải đúng quy trình, đúng yêu cầu kỹ thuật, sử dụng phân bón cân đối, đầy đủ.

“Trong canh tác cà phê, phân bón chiếm đến 70% tổng số phát thải khí nhà kính. Nếu bón phân cân đối hợp lý sẽ giúp giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Mục tiêu lớn nhất của chương trình là giúp cho nông dân có thu nhập ổn định, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và thích ứng được với biến đổi khí hậu”, TS Hồng cho hay.

Canh tác cà phê thông minh: Hiệu quả sự phối hợp giữa nhà khoa học và khuyến nông- Ảnh 5.

Cần có sự phối hợp đa ngành để phát triển bền vững cây cà phê. Ảnh: Quang Sung

Hiện nay, chương trình “Canh tác cà phê thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu” tại Tây Nguyên đang áp dụng cho các mô hình cà phê trồng thuần, cà phê trồng xen hồ tiêu và cà phê trồng xen sầu riêng.

Từ thực tế cho thấy, đến hiện tại, các mô hình tham gia chương trình có tình trạng vườn cây phát triển tốt. Đối với vườn cà phê trồng thuần, giúp tiết kiệm phân bón, cây được tạo dáng phù hợp, giúp tỷ lệ ra hoa cao hơn. 

Đối với vườn cà phê xen hồ tiêu, giúp hạn chế được tình trạng cây hồ tiêu chết hàng loạt do bệnh. Riêng đối với vườn cà phê xen sầu riêng, cây sầu riêng sẽ là cây che bóng mát cho cây cà phê, đồng thời giúp tăng lợi nhuận ở khoảng không gian phía trên.

Canh tác cà phê thông minh: Hiệu quả sự phối hợp giữa nhà khoa học và khuyến nông- Ảnh 6.

T.S Đặng Bá Đàn - Trưởng Văn phòng Trung tâm Khuyến nông Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Ảnh: Quang Sung

TS Đặng Bá Đàn - Trưởng Văn phòng Trung tâm Khuyến nông Nam Trung bộ và Tây Nguyên cho biết, mạng lưới khuyến nông phủ sóng kín cả nước, đặc biệt trong 5 tỉnh Tây Nguyên. Đây là vùng nguyên liệu cà phê mà ngành khuyến nông rất chú trọng, do đó trung tâm thường xuyên phối hợp với khuyến nông các tỉnh, các huyện triển khai các mô hình.

“Phía Viện Khoa học kỹ thuật Tây Nguyên và Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền nghiên cứu đưa ra các sản phẩm và hằng năm tổ chức các đoàn khảo sát, chuyên gia tìm kiếm mô hình, triển khai các tiến bộ kỹ thuật, hướng dẫn bà con ngay trên đồng ruộng. Chúng tôi làm sao để những tiến bộ kỹ thuật, những sản phẩm phân bón mới đến với bà con sản xuất một cách hiệu quả nhất và nhanh nhất”, TS Đàn cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem