Canh tác lúa lý tưởng và thông minh, chưa thu hoạch đã bán hết

Thứ bảy, ngày 17/02/2018 13:41 PM (GMT+7)
Có thể đã từng nghe nói về nông nghiệp thông minh, nhưng liệu “lấy cần cù bù thông minh” có được không? Có gì kỳ bí hay đơn giản chỉ là từ khoá “nông nghiệp thông minh”?
Bình luận 0

Anh Ngô Phước Dũng, Giám đốc hợp tác xã (HTX) Mỹ Đông 2, cho biết nhìn thấy cánh đồng lúa sắp thu hoạch đã có nhiều người đăng ký tham gia. Thực ra, mô hình này còn ít quá, vụ tới sẽ tăng thêm 40 – 50ha và sẽ phát triển khoảng 100ha. Anh nói: “Chú [Nguyễn Thanh] Mỹ khuyên làm từ từ, để nông dân thấy và tự nguyện tham gia. Nói vậy, nhưng chính chú cũng nói hợp đồng liên kết phải vài trăm ha”.

img

Mô hình canh tác lúa lý tưởng của công ty phân bón thông minh Rynan Smart Fertilizers.

Mô hình sơ kết vụ sản xuất đầu tiên theo mô hình “Canh tác lúa lý tưởng” hôm 23.1 của HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2, xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, phối hợp cùng công ty Rynan Smart Fertilizers, Trà Vinh, trên diện tích 7,6ha. HTX đã cấy lúa, bón phân tan chậm và phun chế phẩm sinh học; phân bón một lần cho cả vụ, và thuốc không độc hại.

Ngoài đồng, ông Mỹ, Giám đốc Công ty Rynan, đặt hệ thống cảm ứng mực nước thông minh dùng năng lượng mặt trời giúp nông dân theo dõi mực nước cần và đủ cho cây lúa.

7,6ha đầu tiên trồng lúa Jasmine, năng suất đạt 7 tấn lúa tươi/ha. Cánh đồng Mỹ Đông từng đạt năng suất này, nhưng làm kiểu 4.0 khoẻ hơn, chi phí thấp hơn, thu nhập cao hơn. Đặc biệt, lúa làm ra bao nhiêu đã có người liên kết tiêu thụ hết. Ông Mỹ nói: “Mai mốt ngồi trong nhà có thể điều khiển chuyện ngoài đồng”.

Anh Dũng tạm tính riêng việc tiết kiệm giống từ 20kg/công, còn 6 – 8kg, lượng phân bón ít hơn, số lần phun xịt thuốc giảm từ năm lần còn ba lần, sâu bệnh giảm hẳn, nhẹ gánh nhất là công lao động đã thấy khoẻ hơn nhiều. Hiện nay, tiền công thuê lao động bình thường khoảng 150.000 đồng/người/ngày công, nhưng rất khó tìm.

Mở đường cho nông nghiệp thông minh

Ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ DTT, nói rằng tổng hợp ý kiến từ các cuộc thảo luận từ Đồng Tháp, cho thấy:

– Có nhu cầu đưa công nghệ vào một số ngành hàng nông sản hướng tới giá trị, đặc biệt là hướng đến thị trường xuất khẩu. Trong đó, đưa công nghệ vào để xoài Cao Lãnh trở thành mặt hàng có chỗ đứng trên thế giới;

– Phối hợp với các bên để có thể đưa sản phẩm từ nghiên cứu ra thị trường, đòi hỏi hướng tới mô hình kinh doanh có đầu ra. Các bên làm nghiên cứu và doanh nghiệp công nghệ cần có bước đi tương thích trình độ người sử dụng (doanh nghiệp và nông dân), cần có cam kết chặt chẽ hơn từ nhà nghiên cứu, người làm ra công nghệ;

– Nguồn nhân lực cho dài hạn, mục tiêu nâng tầm, tính sẵn sàng ứng dụng công nghệ của nông dân, người dùng tại Việt Nam nói chung, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đặt ra nhiều góc độ từ trường dạy nghề, trường đại học sao cho học sinh, sinh viên, người sử dụng có thể hiểu nông nghiệp thông minh và có sự sẵn sàng;

– Cần có mô hình hợp tác công tư trong việc triển khai sản phẩm hướng đến nông nghiệp thông minh, Chính phủ sẽ đầu tư 50%, doanh nghiệp 50%; hoặc đề xuất mô hình PPP phù hợp hơn với bối cảnh Việt Nam.

– Kết nối giữa nhà công nghệ và doanh nghiệp, xuất phát từ kinh nghiệm của BSA, hướng đến nông nghiệp thông minh, làm sao thông tin đầy đủ để người dùng dễ dàng tiếp cận các kiến thức khoa học công nghệ của quốc tế, Việt Nam. BSA đề xuất có cổng thông tin để các bên có thể dễ dàng tìm thấy đối tác của mình.

–Thông minh hay không cũng phải bán được hàng, phải tham gia chuỗi bán hàng, từ thị trường 12 triệu dân của TP.HCM, đến thị trường thương mại điện tử của thế giới. Khai thác tài nguyên mạng, thế giới số làm cho thế giới biết đến Việt Nam.

Lấy cần cù bù thông minh!?

Nông dân thú thật, nhiều điều quá mới mẻ, nghe được nhưng chưa hiểu hết, thôi thì cứ lấy cần cù bù thông minh. Ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp, nói: “Cần cù vẫn phải cần cù, thông minh là thông minh, không thể lấy cần cù bù thông minh được”.

img

Mô hình "Canh tác lúa lý tưởng” ở Đồng Tháp đang được nhân rộng ra nhiều địa phương ở ĐBSCL. Ảnh: I.T

Ông Hoan lắng nghe những ý kiến trao đổi, chia sẻ và kỳ vọng các cuộc kết nối giữa các cơ quan hoạch định chính sách, nhà tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước địa phương, các chuyên gia, đơn vị cung cấp giải pháp và các doanh nghiệp nông nghiệp nhằm tìm ra con đường chuyển đổi sang nông nghiệp thông minh. Trong đó, Đồng Tháp sẵn sàng đóng vai trò như một điển cứu để các tỉnh ĐBSCL tìm hiểu, lập kế hoạch bước tiếp theo cho tỉnh mình.

Tại phiên toàn thể, bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc trung tâm BSA, chia sẻ suy nghĩ và tầm nhìn về việc ứng dụng công nghệ thông minh vào nông nghiệp. Trước đó, BSA và các chuyên gia đã có cuộc gặp gỡ và chia sẻ với nông dân Phú Tân về mô hình liên kết bốn bên. Trong đó nổi bật vai trò của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông minh và cơ quan chứng nhận chuẩn mực hàng hoá theo chuẩn hội nhập.

TS Michael Battaglia, giám đốc nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm thuộc tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Liên bang Úc (CSIRO) chia sẻ kinh nghiệm cụ thể về chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Úc, Indonesia, và bài học của quá khứ để nâng cao tác động của công nghệ. “Thực tế đang đặt ra nhiều thách thức”, bà Đặng Thi Thương, công ty Vĩnh Hoàn, nói rằng tuy Vĩnh Hoàn sớm nhận ra nhu cầu, nhưng thách thức trong chuyển đổi số vẫn còn nhiều, thách thức càng lớn hơn đối với các doanh nghiệp tại ĐBSCL.

Ông Lê Minh Hoan nói rằng, Đồng Tháp được Chính phủ chọn làm thí điểm tái cơ cấu nông nghiệp, trong đó có những thí nghiệm chính sách đặc biệt. Những đề xuất chính sách của địa phương được sự hỗ trợ của các bộ sẽ cho phép Đồng Tháp sớm ra được sản phẩm cụ thể. Đồng Tháp không mặc “đồng phục” trong tái cơ cấu nông nghiệp, nhận biết những chỗ khiếm khuyết nên rất kỳ vọng lấp đầy bằng những mảnh ghép trong cuộc sống.

Tỉnh sẽ lập ra nhóm hợp tác gồm những cán bộ trẻ từ công nghệ thông tin, thương mại, nông nghiệp để tiếp tục xây dựng kế hoạch cụ thể trong từng bước đi sắp tới.

Ngoài sáu điều do ông Nguyễn Thế Trung tổng kết, ông Hoan đề xuất dự án hay hợp phần nâng cao năng lực của cộng đồng, để hướng đến nông nghiệp thông minh. Làm sao những nông dân có cơ hội tiếp cận nông nghiệp thông minh, từng bước, từng bước; hay nói cách nào đó là đừng bỏ rơi họ, bởi họ đông lắm.

“Chúng ta đi tới những kiến nghị để có thể hỗ trợ những lĩnh vực tìm kiếm thị trường, giúp vượt qua những khó khăn, trở ngại. Những vấn đề không chỉ là kỹ thuật mà là chính sách chuyển giao kiến thức, cần kết nối nhiều hơn, hoạch định những cơ hội trao đổi, đối thoại với nhau thường xuyên hơn và sự chia sẻ công tư tiếp tục tạo ra những kết nối tốt hơn; làm sao giúp những lao động nữ có những công việc tốt hơn, bà Rebecca Bryant, phó đại sứ Úc tại Việt Nam, kỳ vọng.

Vân Anh (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem