Tiêu hủy lợn chết 400.000 đồng/con
Tấm biển dịch vụ nhận “Thiêu hủy lợn chết” được chủ cơ sở này đặt ngay sát mặt đường Quốc lộ 3, thuộc cây số 18, huyện Hòa An, cách thành phố Cao Bằng 18km. Trên tấm biển còn ghi rõ cả số điện thoại để liên hệ.
Biển dịch vụ “Thiêu hủy lợn chết” kèm theo số điện thoại ở cây số 18, địa phận huyện Hòa An, cách thành phố Cao Bằng 18km. (Ảnh: D.L)
Một người phụ nữ trung niên cho biết, gia đình chị kinh doanh dịch vụ tiêu hủy lợn chết này được gần 2 năm nay, có đầy đủ giấy tờ hợp pháp do “liên ngành” của Cao Bằng cấp (?).
“Giấy tờ này chồng tôi cất trong tủ, nhưng nếu anh muốn xem thì anh phải có lịch hẹn trước, chúng tôi không giấu giếm. Làm dịch vụ này có lợi cho cả xã hội và chính chủ hàng, vì họ sẽ không vứt lợn chết vô tội vạ ra đường, đồng thời sẽ đảm bảo ngăn chặn dịch bệnh bị phát sinh nếu như chủ hàng thiếu ý thức, trách nhiệm”- chị này nói.
Không cho biết tên, chị này cho biết tiếp: “Nếu không được cho phép, làm sao chúng tôi dám trưng biển giữa thanh thiên bạch nhật, sát trục đường Quốc lộ, lại kèm theo cả số điện thoại bên dưới”.
Cơ sở của chị có 2 – 3 thanh niên thường xuyên túc trực làm nhiệm vụ tiêu hủy lợn chết khi có chủ hàng nhờ. Trỏ tay chỉ 2 thanh niên tuổi ngoài đôi mươi, chị cho biết: “Mấy đứa em này nó có trách nhiệm chôn hủy lợn chết. Xe chở lợn chạy đường dài lên Cao Bằng, vì nhiều lý do mà có một vài con bị chết dọc đường, họ thuê chúng tôi chôn lấp để đảm bảo theo đúng quy định của tỉnh. Mỗi con lợn tiêu hủy, chúng tôi lấy phí 400.000 đồng. Từ khi mở dịch vụ này ra tới nay, chúng tôi đã tiêu hủy được hơn 100 con lợn bị chết rồi”.
Khi được hỏi về quy trình tiêu hủy lợn chết, chị nói: “Chúng tôi sẽ báo cho lực lượng liên ngành tới lập biên bản, sau đó bên kiểm dịch, thú y sẽ cung cấp thuốc diệt dịch cho chúng tôi. Lợn chết được đào hố sâu, rắc vôi bột, thuốc sát dịch… rồi mới lấp đất. Quy trình đúng như các cơ quan nhà nước đi tiêu hủy lợn chết, chỉ khác là thay vì cơ quan Nhà nước thực hiện thì chúng tôi tự đứng ra làm”.
Nơi đã chôn lấp khoảng hơn 100 con lợn chết do các chủ buôn thuê tiêu hủy. (Ảnh: D.L)
Theo quan sát, khu vực bên trong nơi treo biển dịch vụ thiêu hủy lợn là một khu đất rộng hàng ngàn m2. Bên trong, một dãy chuồng được quây bằng những cây gỗ keo, bạch đàn thành khu nuôi nhốt lợn thuê; dịch vụ tắm heo… Bên dưới quả đồi, một khu đất trống còn mới có được từ việc san ủi một mỏm đồi được xây cất thành một dãy chuồng chăn nuôi gia súc, gia cầm.
“Khu tiêu hủy lợn ở dưới khe, cách đây chừng 200 mét. Chúng tôi làm đúng quy trình, có giấy phép của cơ quan chức năng” - chị này khẳng định.
Một thanh niên khác chia sẻ thêm: “Với chủ lợn, thà bỏ 400.000 đồng thuê tiêu hủy còn hơn bị phạt gấp 10 lần nếu bị bắt quả tang vứt lợn dọc đường”.
“Liên ngành” ngơ ngác!
Khác với câu chuyện mà người phụ nữ trao đổi, lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TNMT tỉnh Cao Bằng), Chi cục Chăn nuôi – Thú y (Sở NNPTNT tỉnh Cao Bằng) khi được đề cập tới dịch vụ tiêu hủy lợn chết đều lấy làm bất ngờ (?).
Ông Bùi Đào Diện – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường - Sở TNMT tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: D.L)
Ông Bùi Đào Diện – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Cao Bằng khẳng định: “Nếu dịch vụ này được cấp phép cho tư nhân, dứt khoát phải có ý kiến của Chi cục Bảo vệ Môi trường. Nhưng chúng tôi không biết”.
Ông Diện cho biết, sẽ ngay lập tức cử cán bộ xuống kiểm tra để yêu cầu làm rõ. Ông cũng giải thích thêm: Gần một năm qua, giá lợn rớt thê thảm nên số lượng xe chở lợn lên Cao Bằng giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, hàng ngày vẫn có trung bình cả chục xe đưa lợn từ dưới xuôi lên. Có thời điểm chủ hàng vứt hàng chục con lợn chết bừa bãi dọc đường vận chuyển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sông suối, nguồn nước, gây ra nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh Cao Bằng đã phải ban hành Chỉ thị 08 về việc tăng cường công tác quản lý buôn bán, vận chuyển lợn xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo đó, tất cả các huyện, thị; Bộ đội biên phòng tỉnh; Cục Hải quan; Công an, Sở Công Thương; NNPTNT… có trách nhiệm vào cuộc để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng chủ hàng vứt lợn chết bừa bãi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Ông Hoàng Minh Đạt – Chi cục trưởng Chi cục Thú y - Chăn nuôi, Sở NNPTNT tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: D.L)
“Các huyện Hòa An, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Phục Hòa, Quảng Uyên, Hòa Quảng, Bảo Lạc đã được UBND tỉnh yêu cầu tìm địa điểm để tiêu hủy lợn chết. Duy có huyện Hòa An thì đang tiến hành xác định địa điểm tiêu hủy” – vị Chi cục trưởng cho biết.
“Nếu như họ gian dối, moi lợn chết lên rồi đưa đi xử lý, cung cấp cho các nhà hàng hay tiêu thụ ngoài thị trường sẽ gây thêm rất nhiều vấn đề nữa. Trong khi đó, lực lượng cán bộ kiểm dịch rất mỏng, không thể giám sát 24/24 được”, ông Hoàng Minh Đạt – Chi cục trưởng Chi cục Thú y - Chăn nuôi phân tích.
|
Chung ý kiến, ông Hoàng Minh Đạt – Chi cục trưởng Chi cục Thú y – Chăn nuôi (Sở NNPTNT tỉnh Cao Bằng) khẳng định: Chưa cơ sở tư nhân nào được cấp phép làm dịch vụ này.
“Vấn đề này (tiêu hủy lợn chết - PV) rất quan trọng, vì nó liên quan tới việc kiểm dịch. Nếu như chôn lấp không đúng quy trình, sẽ rất khó khăn để kiểm soát dịch bệnh bùng phát, phát sinh cho chính đàn gia súc, gia cầm của Cao Bằng” - ông Đạt khẳng định và bày tỏ lo ngại, tư nhân tiêu hủy sẽ rất khó đảm bảo cho việc giám sát, liệu họ có trung thực hay không.
Tuy nhiên, ông Đạt cũng nhìn sự việc dưới góc độ khác. “Vào lúc cao điểm, có những huyện một ngày phát hiện mấy chục đầu lợn chết bị vứt bỏ xuống sông, xuống suối, như huyện Trùng Khánh vào năm 2016. Thế nhưng, theo chỉ thị 08 của UBND tỉnh, các địa phương lại thêm một “gánh nặng” do tỉnh không bố trí kinh phí cho các địa phương khi thực hiện tiêu hủy lợn chết. Nhiều xã vùng núi phải trích từ ngân sách, dẫn đến việc thiếu hụt cho các mục dự toán khác đã được phê duyệt kinh phí từ đầu năm” - ông Đạt giải thích.
“Vậy nên nếu như tư nhân đảm trách được, chính quyền sẽ đỡ việc đi rất nhiều, phí tiêu hủy do chủ hàng phải chi trả. Quan trọng là phải giám sát quá trình tiêu hủy theo đúng quy trình” – ông Đạt chốt lại vấn đề.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.