|
Cần phạt nặng cơ sở chăn nuôi gian dối để đảm bảo quyền lợi hộ nuôi chân chính. |
Thưa ông, thông tin về chất tạo nạc cho lợn được các cơ quan chức năng phát hiện ở Đồng Nai vừa qua đã làm dư luận hết sức hoang mang. Ông có thể cho biết loại chất này có tác hại ra sao?
- Quyết định số 54 năm 2002 của Bộ NNPTNT quy định 18 chất cấm sản xuất, nhập khẩu, lưu thông và sử dụng. Trong đó có 3 chất kích thích tạo nạc là: Clenbuterol, salbutamol, ractopamin. Riêng chất ractopamin có một số ít quốc gia cho phép sử dụng để kích thích tạo nạc, nhưng phải tránh tồn dư trong thịt. Còn chất clenbuterol và salbutamol, thì tất cả các nước trên thế giới đều cấm bổ sung vào thức ăn chăn nuôi (TĂCN) vì nếu tồn dư trong thịt, người ăn phải nó gây nguy hại đến sức khỏe của họ.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã nói rằng, những cơ sở kinh doanh sử dụng chất cấm trong chăn nuôi lợn là một tội ác. Thế nhưng, cho đến nay các đối tượng vi phạm mới chỉ bị xử lý hành chính?
- Với quy định phạt gấp 7 lần giá trị sản phẩm gây hại là chế tài răn đe rất nặng, khiến doanh nghiệp vi phạm đứng trước sự phá sản để không tiếp tục gây hại. Tôi ví dụ 1 trại có 500 con lợn thịt, trị giá 2 tỷ đồng với thời giá hiện nay. Nếu chủ trại sử dụng chất cấm và bị phát hiện sẽ bị phạt 14 tỷ đồng và bị công bố trên phương tiện thông tin đại chúng.
Trong trường hợp này theo tôi luật quy định là mạnh. Nếu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người thì Bộ luật Hình sự cũng có quy định. Vấn đề là cơ quan chức năng được giao nhiệm vụ có thực thi triệt để hay không.
Lâm Đồng: Không phát hiện chất tạo nạc
Trước thông tin Lâm Đồng phát hiện chất tạo nạc trong thịt lợn chiều qua (22.3), ông Nguyễn Phúc Tín - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thuỷ sản (Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng) cho biết: “Đây là thông tin không chính xác, chúng tôi đã kiểm tra 5 đợt từ đầu năm 2012 đến nay, nhưng không phát hiện có chất này”. Ông Tín khẳng định, việc phát hiện chất tạo nạc là từ tháng 7.2011, khi đó, chi cục lấy 10 mẫu thịt heo, gà tại 3 địa phường trong tỉnh và phát hiện 4 mẫu dương tính.
* Theo Chi cục Quản lý thị trường Đồng Nai, đến 21.3, vẫn chưa có kết quả xét nghiệm đối với mẫu thức ăn có vỏ nhãn là thức ăn tạo nạc trong chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Nhân Lộc như đã thông báo trước đó. Dự kiến, đến ngày mai (23.3), mới có kết quả giám định mẫu thức ăn chăn nuôi này.
Thanh Xuân - Thanh Hồng
Thông tin về chất tạo nạc ở Đồng Nai hiện đã ảnh hưởng đến rất nhiều hộ chăn nuôi chân chính khác, khiến giá lợn giảm nhanh chóng. Vậy thời điểm này, chúng ta cần phải làm gì để bảo vệ họ, thưa ông?
- Theo tôi được biết, với 387 mẫu xét nghiệm vừa qua được lấy từ 13 tỉnh, thì các nhà máy chế biến TĂCN không có mẫu nào có dương tính. Mẫu nước tiểu lấy từ các trại lợn xét nghiệm định lượng clenbuterol và salbutamol thấy có 3 mẫu trong tổng số 50 mẫu, tức là, chỉ tương đương 6% và 3 mẫu này đều thuộc khu vực tỉnh Đồng Nai. Để bảo vệ hộ chăn nuôi chân chính, cần phải công khai tên 3 trại vi phạm và phạt ở mức cao theo quy định.
Mặt khác, người chăn nuôi cần phối hợp với cơ quan chức năng triển khai xét nghiệm nước tiểu đàn lợn của mình. Theo tôi, người tiêu dùng ở xa khu vực Đồng Nai như: ĐBSCL, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, cách xa cả ngàn km như Bắc Trung Bộ, đồng bằng sông Hồng, Đông Bắc, Tây Bắc, mà từ chối tiêu dùng thịt lợn là không thực tế. Nếu thịt lợn ở 62 tỉnh còn lại ít người mua, chăn nuôi thua lỗ, người chăn nuôi bỏ chuồng trống thì 6 tháng sau đây thịt thiếu, cung không đủ cầu, giá thịt sẽ cao, thiệt hại sẽ là người tiêu dùng gánh chịu.
Có nhiều ý kiến cho rằng, nếu phát hiện lợn bị sử dụng chất cấm, phải tiêu hủy ngay lập tức. Ý kiến của ông?
- Trong trường hợp phát hiện thịt lợn bị nhiễm clenbuterol, salbutamol thì phải tiêu hủy ngay. Nếu phát hiện trong nước tiểu của trại lợn thì bao vây, nội bất xuất ngoại bất nhập, theo định kỳ xét nghiệm nước tiểu, đến khi chất clenbuterol, salbutamol thải hết thì cho xuất bán đàn lợn này.
Lê Hân (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.