Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: Vẫn chưa giải xong bài toán vốn

Trần Đáng Thứ tư, ngày 04/12/2019 17:31 PM (GMT+7)
Mặc dù đã nhận được nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước là 2.186 tỷ đồng, nhưng dự án cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận (Tiền Giang) vẫn đang kêu khó về vốn tín dụng.
Bình luận 0

Dự án cao tốc này sau khi được điều chỉnh đã nâng tổng mức đầu tư lên 12.668 tỷ đồng, tăng thêm 3.068 tỷ đồng, so với mức dự án trước đây, tức phải cần thêm vốn tín dụng (BOT) là huy động từ các ngân hàng là 10.482 tỷ đồng.

img

Quang cảnh buổi họp báo về Dự án Trung Lương-Mỹ Thuận.

Tại buổi họp báo về dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (4/12), đại diện Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận (doanh nghiệp dự án) thông báo, cho đến giờ vẫn chưa xác định nguồn vốn tín dụng vay từ các ngân hàng đã xong báo cáo thẩm định chung, chưa biết được ngày cấp tín dụng cho dự án…

“Còn vướng mắc nhiều thủ tục, các ngân hàng đưa ra nhiều điều kiện khó khăn… Nếu không huy động đủ vốn tín dụng cho dự án, có khả năng phải xin Chính phủ phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn cho dự án”, đại điện công ty cho biết.

Theo UBND tỉnh Tiền Giang, hiện có 4 ngân hàng tham gia hợp vốn cho dự án BOT đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, gồm: Vietinbank, BIDV, Agribank và VP Bank.

Các ngân hàng này chỉ cam kết hợp vốn 6.686 tỷ đồng cho dự án, tức là dự án còn thiếu hơn 1.000 tỷ so với tổng dự toán vốn tín dụng.

Về kế hoạch sử dụng nguồn vốn 2.186 tỷ đồng, theo UBND tỉnh Tiền Giang, sẽ ưu tiên cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), phần còn lại thực hiện một số hạng mục xây lắp.

img

Hiện trạng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.

Cụ thể, đối với công tác GPMB sẽ tiến hành hoàn trả phần chi phí GPMB mà tỉnh đã ứng (278 tỷ đồng); hoàn trả cho Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận 1.445 tỷ đồng; tạm ứng theo hồ sơ chuẩn bị phê duyệt 10 tỷ đồng, dự trù kinh phí GPMB cho các hạng mục bổ sung đang chuẩn bị trình phê duyệt 53 tỷ đồng. Như vậy, tổng kinh phí GPMB Dự án là 1.786 tỷ đồng.

Phần vốn còn lại sẽ thực hiện một số hạng mục xây lắp, trong đó ưu tiên thực hiện các hạng mục như: 22km đường gom để phục vụ dân sinh, 3 cây cầu vượt với tổng mức đầu tư khoảng 360 tỷ đồng…

Về tiến độ thực hiện dự án đúng với dự kiến là đến năm 4/2021 sẽ thông xe, ông Nguyễn Tấn Đông - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho biết, công trình vẫn đang hoạt động.

Đến nay doanh nghiệp dự án đang thi công 21/21 gói thầu xây lắp. Luỹ kế khối lượng thi công đạt khoảng 27% (1.715 tỷ đồng).

“Doanh nghiệp dự án cam kết sẽ huy động mọi nguồn lực thi công xuyên tết năm nay để hoàn thành tiến độ dự án là đến năm 2021 thông xe”, ông Đông khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn cũng cho biết, nhằm đảm bảo tiến độ thi công dự án, UBND tỉnh và các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã ký lại bản kế hoạch tiến độ chi tiết, triển khai dự án trên tinh thần bảo đảm dự án thông tuyến vào năm 2020 và hoàn thành vào 30/4/2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

img

Các gói thầu dự án Trung Lương - Mỹ Thuận đang thi công.

Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A, là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP.HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án này khởi công từ năm 2009, nhưng cho đến nay vẫn dang dở cho vướng mắc nhiều khó khăn, chủ yếu là vốn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem