“Cạo trọc” rừng để lấy đất gieo hạt

Trần Hiền Thứ ba, ngày 19/06/2018 06:10 AM (GMT+7)
Vì “thương dân”, xã đã chuyển diện tích rừng bị phá thành đất nông nghiệp cho bà con sản xuất. Nhưng chỉ canh tác được vài năm, người dân lại đi tìm vạt rừng mới để phá tiếp. Những cánh rừng xanh cứ thế lần lượt bị “xuống tóc”.
Bình luận 0

Dọc 2 bên đường đoạn qua làng Kon Jốt và làng Kon Maha, xã Hà Đông (huyện Đăk Đoa, Gia Lai), chúng tôi bắt gặp những cây rừng có đường kính từ 30-40cm bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Sau khi đốn hạ, người dân “xẻ thịt” lấy gỗ và đốt cháy những cây không tận dụng được. Còn những bụi cây nhỏ ở các sườn đồi, đỉnh đồi đã bị “cạo trọc, đốt sạch”.

Ngang nhiên phá rừng

img

Những quả đồi tại làng Kon Jốt đã bị “cạo trọc, đốt sạch”.  Ảnh: T.H

Ông Nguyễn Hồng Quân - Phó ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Đăk Đoa cho hay: “Chúng tôi sẽ xác định rõ diện tích đất trên là đất nông nghiệp hay đất lâm nghiệp. Nếu là đất nông nghiệp thì chúng tôi sẽ phạt hành chính những trường hợp phá cây rừng và đốt rẫy cháy lan vào rừng. Còn nếu là đất lâm nghiệp, nếu phá từ 3.000m2 đối với rừng phòng hộ, 5.000m2 trở lên đối với rừng sản xuất, chúng tôi sẽ tiến hành lập hồ sơ và chuyển cho cơ quan chức năng để tiến hành khởi tố”.

Chúng tôi đã men theo con đường bê tông để vào trung tâm xã Hà Đông. Theo quan sát, hầu hết những quả đồi gần đường đã bị “cạo trọc, đốt sạch” còn trơ lại những vạt đất khô khốc. Dưới chân đồi, người dân đã dựng lên những ngôi nhà để sinh hoạt và tiện cho việc gieo hạt khi mưa xuống. Đối với những cây lớn, họ dùng cưa lốc đốn hạ, “xẻ thịt” và lấy đi những lóng gỗ nhỏ. Khi nhìn thấy người lạ, họ liền nhanh tay cầm cưa lốc chạy biến vào rừng sâu.

Được biết, với tập quán “du canh, du cư”, sau 2 đến 3 mùa rẫy, khi đất đai cằn cỗi, hầu hết dân cư làng Kon Jốt và làng Kon Mahah lại lên rừng đốn gỗ, phát cây rừng, tìm đất mới gieo hạt. Tiến vào địa phận làng Kon Jốt, thay vì thấy những vạt đất rừng cây cối xanh tốt, trước mặt chúng tôi là những khoảng đất trống trơn, cây cối nằm la liệt.

Bên cạnh những thân cây rừng vẫn nằm ngổn ngang trên mặt đất, những cây mì (sắn) đã nhú lên. Xung quanh, cả vạt rừng rộng lớn đã bị triệt hạ. Những thân cây có đường kính khoảng 30-40cm bị xẻ thành những lóng gỗ đưa đi. Nhiều cây gỗ lớn bị “xẻ thịt”, dấu mùn cưa và những mảnh bìa vẫn còn nằm rải rác khắp nơi. Số cây không tận dụng được thì bị đốt, thân cây cháy đen nằm chồng chéo, ngổn ngang.

Với đủ mọi hình thức, đối với những cây to người dân thường tạo ra những rãnh sâu xung quanh thân cây ngăn không cho cây vận chuyển chất dinh dưỡng từ phần gốc lên phía trên, đây được gọi là hình thức “ken” cây. Những cây rừng bị “ken” một thời gian sau mới chết, người dân “hợp thức hóa” bằng việc đốn hạ cây đã chết rồi mở rộng dần diện tích. Thậm chí họ còn dựng nhà ngay dưới chân đồi để tiện việc hạ cây, làm nương.

Điều đáng nói, dù diện tích đất bị người dân chặt hạ cây rừng rất rộng, thậm chí nhiều diện tích  rừng đã bị phá sạch nằm ngay hai bên đường bê tông tiến vào trung tâm xã, nhưng khi phóng viên đưa những hình ảnh đó ra, xã mới biết và cử cán bộ địa bàn vào kiểm tra xác định địa giới hành chính thuộc làng nào.

Trong chuyến đi, chúng tôi liên tục nghe thấy tiếng cưa máy gầm rú, vang vọng cả một vùng trời; ở những điểm cây rừng bị đốt, khói vẫn bốc lên nghi ngút. Dường như những vùng đồi núi trọc này đã sẵn sàng cho một mùa gieo hạt mới. Cách làng Kon Jốt khoảng 6-7km theo hướng đi ra huyện, một tốp người vẫn đang cầm cưa lốc đốn hạ những cây gỗ có đường kính khoảng 50cm ngay trong rừng tự nhiên. Tiếng cưa lốc vang vọng cả khu rừng, thế nhưng không thấy lực lượng chức năng có động thái gì...

Đất lâm nghiệp biến thành đất nông nghiệp

Theo cán bộ kiểm lâm địa bàn và chính quyền xã Hà Đông, khu vực mà người dân đang ngang nhiên “cạo trọc, đốt sạch” này thuộc phần đất nông nghiệp. Có lẽ vì coi đây là quỹ đất nông nghiệp nên người dân mặc nhiên chặt hạ” những cây rừng có đường kính từ 30-40cm để lấy gỗ và “cạo sạch” những bụi cây nhỏ để làm nương rẫy.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Việt - Phó Chủ tịch xã Hà Đông, cho biết, diện tích đất có tình trạng chặt hạ và đốt phá cây là đất nông nghiệp. Tuy nhiên số cây trên đất đó là cây rừng nên xã đã cùng cơ quan liên ngành tiến hành xử phạt nhiều lần. Nhưng cũng do tập quán “du canh, du cư” nên người dân vẫn thường chặt phá để làm nương rẫy. “Chúng tôi cũng đã cương quyết xử lý những vụ phá rừng làm nương rẫy, điển hình là năm 2012 đã truy tố, phạt tù 13 đối tượng vì phá hơn 10ha rừng. Năm 2017, UBND huyện Đăk Đoa đã tiến hành vận động người dân tiến hành trồng rừng trên diện tích 20ha rừng bị phá” - ông Việt cho biết.

Cũng theo ông Việt,  địa phương đang chờ phương án sử dụng quỹ đất này, phải qua một công đoạn nữa và theo như lộ trình, phải vài năm nữa mới được cấp sổ đỏ. Diện tích chuyển đổi từ đất lâm nghiệp sang đất nông nghiệp là khoảng 4000-5000ha. Quỹ đất nông nghiệp này hiện do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Đăk Đoa quản lý.

Được biết, trước đây diện tích đất trên là quỹ đất lâm nghiệp nhưng do bà con có tập quán tái canh, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy nên nhiều diện tích đất rừng trở thành đất trống và xã đã chuyển sang đất nông nghiệp để giúp bà con làm ăn, sinh sống. Nhưng cứ trải qua mấy mùa rẫy, người dân lại phá diện tích mới để trồng màu. Và nếu như tình trạng lấn chiếm đất rừng còn tái diễn như vậy, liệu diện tích đất lâm nghiệp còn được bao nhiêu và quỹ đất nông nghiệp sẽ tăng nhưng có thực sự hiệu quả?

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem