Tuyến QL 62 được đưa vào khai thác và sử dụng từ năm 1999 với chiều dài 76km, nền đường rộng 9m và mặt đường thảm nhựa 6m. Đến nay, sau gần 20 năm, tuyến đường này không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển. Mặt đường nhỏ hẹp xuống cấp còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông.
Quá tải…
Mặt đường nhỏ, tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên tuyến Quốc lộ 62. Ảnh: K.Đ
Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Long An cho biết, sẽ tham mưu cho UBND tỉnh phương án xin Chính phủ hỗ trợ đầu tư từ nguồn vốn dự phòng. Ước tính tổng giá trị đầu tư nâng cấp, mở rộng QL62 hơn 1.000 tỷ đồng, với dự tính mở rộng toàn tuyến, mặt đường rộng 12m theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng.
|
Mấy năm gần đây số lượng xe ôtô, xe tải và xe container của tỉnh Long An cũng như các tỉnh miền Tây và TP.HCM lưu thông trên QL 62 rất nhiều. Mặt đường nhỏ hẹp, xuống cấp, nhiều hàng quán, bảng hiệu dựng ra choán hết vỉa hè và cả một phần lòng đường khiến tuyến đường này đã nhỏ càng thêm chật chội.
Trong những đợt nghỉ lễ, tết số lượng phương tiện giao thông gia tăng đột biến. Cung đường QL N2, QL 62 trở thành hướng di chuyển của rất nhiều phương tiện từ TP.HCM về một số tỉnh miền Tây. Do tuyến đường nhỏ hẹp, xuống cấp nên tình trạng kẹt xe xảy ra nghiêm trọng, kéo dài cả chục km, giao thông ách tắc cục bộ.
Theo Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Long An, từ khi đưa vào sử dụng, tuyến QL 62 chưa lần nào được sửa chữa lớn nên phần lớn mặt đường chỉ là những đoạn chắp vá, sửa chữa lắt nhắt. Đường nhỏ hẹp, xuống cấp, các phương tiện tham gia giao thông tăng cao cũng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên trên tuyến đường này. Cá biệt một số đoạn, như: khu vực cống Rạch Chanh, cống Bắc Đông, khu vực xã Tân Đông, đặc biệt là trên đoạn chồng lấn giữa QL 62 và QL N2 (Km29-Km42) tai nạn giao thông xảy ra liên tục.
Thống kê mới nhất của Công ty cổ phần Công trình xây dựng Giao thông 674 ghi nhận tại km47 (QL 62), số lượng ôtô lưu thông 1 ngày trung bình dao động từ 1.900 - 2.400 lượt cùng với khoảng trên 8.000 lượt xe gắn máy, xe thô sơ di chuyển.
Cấp bách đầu tư mở rộng
Mặc dù tỉnh Long An đang chuyển mình thành tỉnh công nghiệp với hàng loạt các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trải đều tại các huyện phía Nam của tỉnh, nhưng với riêng các huyện vùng Đồng Tháp Mười, đến thời điểm hiện tại mới chỉ ghi nhận duy nhất một Công ty TNHH Tainan Enterprises về đầu tư và hoạt động tại Khu công nghiệp trong Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường. Các huyện: Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Vĩnh Hưng, Tân Hưng mới chỉ phát triển tiểu thủ công nghiệp hoặc sản xuất quy mô nhỏ lẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch UBND thị xã Kiến Tường, mặc dù địa phương có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp thông thương qua Campuchia, quy hoạch phát triển khu kinh tế cửa khẩu và khu công nghiệp, song đến nay sau hơn 2 năm triển khai, nhiều đơn vị đến đặt vấn đề đầu tư vào khu công nghiệp, nhưng sau khi khảo sát cũng không quay lại hồi âm.
Ông Vũ lý giải, nguyên do khiến các nhà đầu tư chưa mặn mà cũng bởi hệ thống giao thông kết nối từ thị xã Kiến Tường với các tuyến đường chính như QL N2, QL 1 còn quá yếu, đường nhỏ hẹp xuống cấp, cầu cũng không đảm bảo tải trọng. “Hệ thống giao thông chưa phát triển đồng bộ, công nghiệp muốn phát triển cũng khó. Chỉ khi nào tuyến đường huyết mạch QL 62 được đầu tư mở rộng thì các địa phương vùng Đồng Tháp Mười mới có cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp”- ông Vũ khẳng định.
Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Long An Đặng Hoàng Tuấn, hiện nay việc xin nguồn vốn từ ngân sách T.Ư để đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến QL 62 gặp nhiều khó khăn do kế hoạch bố trí nguồn vốn trung hạn đã hết, T.Ư chưa cân đối được. Trước mắt, ngành chủ động đẩy mạnh công tác duy tu, bảo dưỡng tại các điểm hư hỏng với kinh phí khoảng gần 20 tỷ đồng/năm từ nguồn quỹ bảo trì đường bộ để bảo đảm giao thông và hạn chế tình trạng tai nạn giao thông trên tuyến đường này”- ông Tuấn cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.