Cặp đôi đánh bé Ngân có thêm hành vi sai phạm khác?

Ngọc Lương Thứ hai, ngày 15/09/2014 20:23 PM (GMT+7)
Nếu cơ quan xác định anh Tố là cha ruột của bé Ngân, là chồng hợp pháp của đối tượng Trang, thì ngoài hành vi gây thương tích cho bé Ngân, cặp Trang - Minh còn thêm hành vi sai phạm khác.
Bình luận 0
img Vợ chồng Trang - Minh.
 

Trưa 15.9, anh Trần Văn Tố, 31 tuổi, quê Vĩnh Long, hiện đang tạm trú làm công nhân tại Nhơn Trạch, Đồng Nai đã tới bệnh viện nhận bé Ngân là con. Anh Tố mang theo một sổ hộ khẩu photo công chứng, trong đó có tên của Nguyễn Thị Thùy Trang (26 tuổi) - cho là tên mẹ bé Ngân và cả tên Ngân. 

Tuy nhiên, trong sổ hộ khẩu này, họ và tên bé là Trần Thị Kim Ngân chứ không phải Đỗ Thị Kim Ngân như lời khai ban đầu của Trang và Đỗ Văn Minh (27 tuổi, người cùng chung sống với Trang và đã cùng đánh bé Ngân)

Anh Tố cho biết anh và Nguyễn Thị Thùy Trang cưới nhau đã được khoảng 10 năm, có đăng ký kết hôn và có tổ chức lễ cưới. Hai người trước đây sống chung ở quê vợ tại Vĩnh Long và đã có hai con, một bé trai 8 tuổi (đang ở quê với bà nội) và bé Ngân. Theo anh Tố, anh và Trang chưa ly dị nhau. 

Nếu thông tin anh Tố cung cấp là đúng thì đối tượng Minh - Trang đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.

Theo LS Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) có thể hiểu, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng hay còn được hiểu là hành vi sống chung với người khác theo giải thích tại điểm 3.1 khoản 3, Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001: "Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình". 

Theo LS Tiến thì việc Minh - Trang chung sống với nhau như vợ chồng đã rõ, thời gian kéo dài, có hàng xóm chứng kiến. Đối tượng Trang biết rõ mình đang có chồng mà chung sống với Minh rõ ràng là vi phạm không phải bàn cãi.

Trường hợp đối tượng Minh (đặt giả thuyết là chưa có vợ) nếu đối tượng này biết Trang là người đang có chồng mà chung sống thì cũng cùng chung hành vi vi phạm.

Nếu đối tượng Minh cho rằng không biết vì 2 người ở địa phương khác cùng đến Bình Dương sinh sống; vì bị Trang nói dối là đã ly hôn và cơ quan điều tra cũng không có căn cứ nào để chứng minh việc Minh biết Trang đang có chồng mà vẫn sống chung thì đối tượng không bị xử lý về hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng. 

 

Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009), điều 147 quy định về Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng như sau: “Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm”.

Như vậy, hành vi vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng chưa gây hậu quả hoặc bị phát hiện lần đầu thì bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 110/2013; còn nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính mà vẫn vi phạm thì có thể bị xử lý hình sự. 

Hậu quả nghiêm trọng của hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng có thể là: Làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên (ngoại tình) tan vỡ dẫn đến ly hôn; vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem