Hiến tạng – Cho đi là còn mãi
Có người mẹ hằng đêm vẫn khóc vì nhớ con, người vợ không ngủ nổi vì nhớ chồng… Mất đi một người thân yêu là đớn đau vô cùng đối với những người ở lại nhưng ở đời, quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” có ai chống được?
Người Việt vốn tín tâm, họ mong muốn con người sống thế nào thì khi chết cũng phải “toàn thây”. Chính vì thế, có không ít người mẹ, người vợ đã bị “miệng đời” giày xéo tâm can khi quyết định hiến tạng của con, chồng mình cho y học để cứu người.
Thế nhưng, sau tất cả, họ vẫn có quyết định của riêng mình để làm một nghĩa cử cao đẹp mà không phải ai cũng dám làm. Một phần cơ thể của người đã khuất sẽ mang lại sự sống cho những người đang lâm trọng bệnh.
Cho đi là còn mãi. Một người mất đi nhưng sự sống của họ vẫn hiển hiện trên cõi đời này.
Chúng tôi xin đăng tuyến bài: Hiến tạng – Cho đi là còn mãi.
|
Giành lại sự sống cho bệnh nhân từ tay “tử thần”
Kỳ tích ghép tạng của y học Việt Nam được ghi nhận vào tháng 9/2015, khi lần đầu tiên, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức đã ghép tạng thành công từ khối tạng được vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội.
Hiện tại, khi nhắc đến lĩnh vực ghép tạng không thể không nhắc đến GS.TS.Trịnh Hồng Sơn (Giám đốc Trung tâm Điều phối và ghép tạng Quốc gia) và PGS.TS.Nguyễn Hữu Ước (Giám đốc Trung tâm tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Việt Đức) – 2 chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Nhờ những tìm tòi, sáng tạo trong ghép tạng, họ đã giành giật lại sự sống cho hàng ngàn bệnh nhân từ tay “tử thần”.
Đối với GS.TS.Trịnh Hồng Sơn, mỗi lần nói về lĩnh vực hiến tạng, ông lại say mê, đầy nhiệt huyết chia sẻ những câu chuyện “vận động hiến tạng” trong mỗi lần ông đi công tác. Dù đi đâu, ông cũng thường mang theo cả tập mẫu đăng ký và tranh thủ vận động đăng ký hiến tạng.
GS.TS.Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối và ghép tạng Quốc gia
Kỷ niệm đáng nhớ nhất với GS Trịnh Hồng Sơn, đó là cuộc hành trình dài gần 4.000km, ông cùng ê-kíp đã phải vừa tính toán từng kỹ thuật lấy tạng, rồi lo bảo quản tạng dọc đường, lại chỉ đạo việc chuẩn bị ghép tạng.
Anh Trần Ngọc Hải được phát hiện ung thư gan từ năm 2014 và được chỉ định ghép gan ngày 4/9. Ca mổ kéo dài 12 tiếng, các bác sĩ đã thức trắng đêm để mang lại sự sống cho anh Hải.
Hay như năm 2018, một điều kỳ diệu đã đến với em Phạm Văn Cơ (15 tuổi, ở Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) khi em may mắn nhận được trái tim hiến tặng từ một thanh niên bị tai nạn giao thông không may chết não. Trái tim đã vượt qua hành trình hơn 700km để đem sự sống cho thiếu niên tưởng chừng cuộc sống sẽ khép lại.
Phạm Văn Cơ bị suy tim ở giai đoạn cuối. Gia đình đã đưa em đi điều trị khắp nơi, vào cả Sài Gòn để chạy chữa nhưng các bác sĩ cho biết, thời gian sống của em chỉ tính từng ngày, chỉ còn cách duy nhất là thay tim.
Được biết, bố của Cơ đã mất vì bị ung thư khi em mới được 7 tháng tuổi, anh trai lớn cũng đã qua đời khi mới 15 tuổi vì bị giãn cơ tim.
Để chuẩn bị cho một ca ghép tạng, phải huy động hàng chục bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Đội ngũ y tế phải chuẩn bị sẵn sàng từ vật tư y tế, dụng cụ phục vụ cho một ca phẫu thuật. Hai bàn mổ được thực hiện song song.
Một bàn mổ phục vụ cho việc lấy tạng từ cơ thể người cho sống hoặc người cho chết não. Sau khi lấy tạng ra khỏi cơ thể người hiến, tạng sẽ được phân tích kỹ trước khi ghép vào cơ thể người bệnh.
Ca ghép tim cho bệnh nhân Phạm Văn Cơ là 1 trong 6 ca điều phối tạng xuyên Việt trong thời gian qua.
Cuối cùng, nhờ có trái tim của một người hiến, cậu bé 15 tuổi đã được hồi sinh.
Trăn trở về nguồn tạng
Thành công trong lĩnh vực ghép tạng là vậy nhưng GS.TS.Trịnh Hồng Sơn và PGS.TS.Nguyễn Hữu Ước vẫn luôn trăn trở về nguồn tạng.
“Mỗi ngày, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có từ 2-3 bệnh nhân chết não. Một năm hơn 11.000 người tử vong do tai nạn giao thông có thể hiến tạng. Đây là điều đáng tiếc, khi bệnh viện có đủ khả năng để cứu chữa người bệnh. Người bệnh vẫn còn cơ hội sống, nhưng bác sĩ phải “bó tay” bởi không có nguồn tạng ghép”, GS.TS.Trịnh Hồng Sơn nói.
PGS.TS.Nguyễn Hữu Ước chia sẻ: “Chúng tôi rất khó tìm được người hiến, hoặc tìm được rồi thì có khi gia đình lại không hiến nữa. Có nhiều trường hợp chờ trong vô vọng rồi chết”.
PGS.TS.Nguyễn Hữu Ước - Giám đốc Trung tâm tim mạch và lồng ngực, BV Việt Đức
PGS.TS.Nguyễn Hữu Ước cũng từng chứng kiến những ngày tháng đau khổ của người bệnh và chứng kiến những niềm vui vỡ òa của cả đồng nghiệp và người nhà bệnh nhân mỗi khi ông thực hiện ca ghép tạng thành công.
“Có trường hợp là bệnh nhân ngoài 60 tuổi, ốm lâu ngày và nhận thức được cái chết, không có đủ năng lực sống, luôn nằm nhắm mắt. Sau khi biết ghép tạng có thể cứu sống mình, bệnh nhân được đã xin chuyển lên Bệnh viện Việt Đức chờ ghép tạng.
May mắn bệnh nhân này tìm được nguồn tạng phù hợp. Sau 5 ngày, bệnh nhân đã khỏe mạnh và bây giờ thường xuyên đi làm việc thiện vì được sống khỏe mạnh. Ông ấy vô cùng hạnh phúc và nói mỗi ngày sống trên đời ông ấy cố gắng sống sao cho tốt nhất”, PGS.TS.Nguyễn Hữu Ước kể.
Các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực ghép tạng của BV Việt Đức nhắn nhủ mọi người rằng, khi chết não, các cơ quan trong cơ thể sẽ nhanh chóng hoại tử, chết theo. Trong khi đó, một người chết não có thể cho tim, gan, thận, phổi…
“Tại sao gia đình có người chết não không hiến tim, gan, phổi, thận… để các bác sĩ ghép cho các bệnh nhân khác? Một lá gan có thể ghép cho 2 đến 3 cháu bé. Chúng tôi mong người dân có cái nhìn đúng về việc hiến tạng. Những gia đình không may có người bị chết não hãy hiến tạng để cứu sống nhiều người khác.…”, GS Sơn nói.
Để đưa được tạng từ Hà Nội về TP.HCM nhanh nhất, êkíp đã phối hợp nhịp nhàng, tạo nên nhiều kỳ tích.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.