Cấp Giấy chứng nhận các nông, lâm trường: Công tác rà soát, cắm mốc quá chậm

Trường Giang Thứ hai, ngày 03/08/2020 07:30 AM (GMT+7)
Theo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 112 của Bộ Tài nguyên Môi trường (Bộ TNMT), tổng diện tích đất giữ lại sau rà soát, sắp xếp nông lâm trường là 1.868.513ha.
Bình luận 0

Sau hơn 5 năm thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 về tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng của Quốc hội, các địa phương đã nỗ lực thực hiện việc rà soát, cắm mốc ranh giới, đo đạc cấp Giấy chứng nhận các nông lâm trường nhưng công tác này triển khai còn chậm.

Mới chỉ có 11/45 tỉnh hoàn thành

Theo báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 112 của Bộ TNMT, tổng diện tích đất giữ lại sau rà soát, sắp xếp nông lâm trường là 1.868.513ha. 

Trong đó, về nhiệm vụ rà soát ranh giới, cắm mốc có 34/45 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành, trong đó đã rà soát được 32.193km trên tổng số 54.877km (đạt 77,5% khối lượng nhu cầu); cắm được 54.756 mốc/62.247 mốc (đạt 88 % khối lượng nhu cầu).

Cấp Giấy chứng nhận các nông, lâm nghiệp: Công tác rà soát, cắm mốc quá chậm - Ảnh 1.

Công tác rà soát, cắm mốc ranh giới, đo đạc cấp Giấy chứng nhận các nông, lâm trường triển khai còn chậm. Ảnh: Hoàng Minh

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, 6 tháng cuối năm 2020, Tổng cục sẽ tiếp tục tổ chức chỉ đạo các địa phương quyết liệt triển khai hoàn thành việc rà soát, đo đạc, cắm mốc giới, đặc biệt là việc giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận cho các công ty nông, lâm nghiệp đối với phần đất giữ lại. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh.

Về đo đạc lập bản đồ địa chính có 38/45 tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành, trong đó đã đo đạc, lập bản đồ địa chính 1.335.637ha/1.404.870ha (đạt 95,1% khối lượng khối lượng nhu cầu);

Về cấp Giấy chứng nhận trước khi thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13, hầu hết, các công ty nông, lâm nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận. 

Thực hiện nhiệm vụ theo Nghị quyết số 112/2015/QH13 có 11/45 tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao đất, cho thuê đất là Sơn La, Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và Sóc Trăng; đã cấp đổi Giấy chứng nhận theo kết quả đo đạc địa chính chính quy được 1.666 hồ sơ/9.862 hồ sơ;

Đặc biệt về phê duyệt phương án sử dụng đất, mới chỉ có 13/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất theo số liệu sau rà soát gồm: Lạng Sơn, Sơn La, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Đăk Lăk, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương và Sóc Trăng.

Còn nhiều khó khăn

Đối với nhiệm vụ rà soát đất đai theo Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 cho các tổ chức không thuộc đối tượng rà soát, sắp xếp theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Tổng cục đã hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường quản lý đối với đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh hiện do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp không thuộc diện sắp xếp lại theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, Ban quản lý rừng và các tổ chức sự nghiệp khác, hộ gia đình, cá nhân sử dụng" theo Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7/1/2020.

Bên cạnh đó, Tổng cục Quản lý đất đai cũng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện nội dung đề án tại địa phương đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Trước đó, vào cuối năm 2019, tại Tọa đàm Quản lý sử dụng đất tại các công ty nông, lâm nghiệp do Bộ TNMT, đại diện Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam, sau cổ phần hóa đơn vị này giữ lại sử dụng khoảng 43.700ha đất lâm nghiệp. Tổng Công ty đã chủ động xây dựng quy chế quản lý lâm nghiệp, đất đai; Kiểm kê, rà soát toàn bộ hiện trạng đất giữ lại để xây dựng phương án quản lý, sử dụng đất đạt hiệu quả cao hơn. 

Tuy vậy, trong quá trình quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp của đơn vị gặp một số vướng mắc khó khăn về đo đạc, cắm mốc, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Công tác thu hồi đất lấn chiếm…

Tương tự, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam có 32 đơn vị sản xuất nông nghiệp, quản lý 30.110,54ha đất tự nhiên. Đất của các đơn vị đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất sản xuất nông nghiệp được giao khoán đến từng người lao động theo Nghị định 168/2016/NĐCP của Chính phủ. 

Tuy vậy, gần đây, tại một số ít đơn vị, tình trạng người lao động không ký hợp đồng giao nhận khoán, không nộp sản phẩm cho công ty. Người lao động tự ý chuyển đổi cây trồng, làm nhà trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra hết sức phức tạp. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem