Tỷ giá sát đỉnh lịch sử, doanh nghiệp “nặng” nỗi lo tài chính

Linh Anh Thứ năm, ngày 24/10/2024 15:16 PM (GMT+7)
Dữ liệu cho thấy, giá USD hôm nay đã tăng 720 đồng so với hồi đầu tháng 10. Nhu cầu ngoại tệ thanh toán của nhóm doanh nghiệp nhập khẩu và FDI phát sinh, cùng với động thái Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh mua USD và đà tăng mạnh của đồng USD trên thị trường thế giới đã thúc đẩy giá USD trong nước.
Bình luận 0

Giá USD hôm nay tăng 720 đồng từ đầu tháng 10/2024

Cập nhật đầu giờ chiều nay (24/10), tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.260 VND/USD, tăng 10 đồng so với phiên trước đó.

Theo biên độ +/-5% tỷ giá trần và sàn mà các ngân hàng thương mại được phép giao dịch từ 23.047 – 25.473 VND/USD.

img

Biến động tỷ giá trung tâm. Biểu đồ: Dân Việt t/h.

Trong khi đó, tại Ngân hàng Vietcombank, giá mua/bán USD được niêm yết ở mức 25.203 - 25.473 VND. Cùng thời điểm, cập nhật tại Ngân hàng VietinBank, ghi nhận chiều mua - bán ở mức 25.238 - 25.473.

Giá USD hôm nay 24/10, không chỉ "nóng" tại khối ngân hàng nhà nước. Tại các ngân hàng thương mại cổ phần như Eximbank, phiên này tỷ giá USD mua/bán tăng khoảng 20 đồng so với hôm qua và dao động quanh ngưỡng 25.190 - 25.473 VND/USD. Techcombank cũng thông báo tỷ giá niêm yết USD tăng lên 25.163 - 25.473 VND/USD (mua vào - bán ra).

Như vậy, giá USD hôm nay bán ra tại các ngân hàng đã tương ứng với mức trần của Ngân hàng Nhà nước. Nếu xét từ đầu tháng 10 đến nay, giá USD tại các ngân hàng tăng khoảng 720 đồng, tương đương mức tăng 2,9%; qua đó đưa tổng mức mất giá từ đầu năm của đồng VND so với USD lên 4,3%.

Trong khi đó, tại thị trường tự do, giá bán USD đã tăng 180 đồng mỗi chiều so với cập nhật đầu giờ sáng nay, lần lượt mua - bán ở mức 25.700 - 25.800 VND.

Trên thị trường thế giới, chỉ số USD Index - thước đo sức mạnh của USD so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) hiện giao dịch ở mức 104,207 (14h00' ngày 24/10, theo giờ Việt Nam), điều chỉnh giảm nhẹ 0,08% so với đóng cửa phiên trước đó.

img

Chỉ số USD Index (nguồn: Investing.com).

Dữ liệu cho thấy, đồng bạc xanh đã đạt mức cao mới trong 3 tháng qua. Các nhà phân tích cho rằng, đà tăng được thúc đẩy bởi những thông tin bên lề của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, ảnh hưởng chính sách tiền tệ của FED và dự báo tăng trưởng lạc quan hơn tại nền kinh tế lớn nhất thế giới từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ngoài ra, đồng USD cũng được cho là hưởng lợi nhờ nhu cầu tìm kiếm tài sản trú ẩn an toàn do lo ngại về xung đột leo thang ở Trung Đông và khả năng ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ .

Doanh nghiệp thêm "gánh nặng" tài chính

TS. Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế cho biết, việc tỷ giá USD/VND tăng mạnh không chỉ bất lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu. Bởi ngay cả đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cũng chưa thực sự là tin tốt khi áp lực cạnh tranh cũng gia tăng.

Theo đó, trong khi các doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu cao như thủy sản, dệt may, săm lốp... hưởng lợi thì các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu nguyên liệu bằng USD lại thêm "gánh nặng" tài chính.

Đơn cử, với nhóm ngành hàng dệt may, thị trường xuất khẩu và khách hàng chính của đại đa phần các doanh nghiệp may mặc là từ Mỹ. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều phải nhập nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài theo chỉ định của khách hàng, vay USD để phục vụ sản xuất. .

Đề cập đến động lực thúc đẩy giá USD trong nửa đầu tháng 10 vừa qua, Bộ phận nghiên cứu thị trường của Ngân hàng ACB cho rằng, nhu cầu ngoại tệ thanh toán của nhóm doanh nghiệp nhập khẩu và FDI phát sinh kết hợp với đà tăng mạnh của đồng USD trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, nhóm phân tích đánh giá, vùng giá hiện tại cũng đã tiệm cận mức tỷ giá bán USD của NHNN nên đà tăng sẽ bị hạn chế khá nhiều. Kỳ vọng khi bước qua giai đoạn cao điểm về cầu ngoại tệ thanh toán cuối năm, tỷ giá có thể dần hạ nhiệt trở lại.

img

Hầu hết các doanh nghiệp dệt may đều phải nhập nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài theo chỉ định của khách hàng, hoặc vay USD để phục vụ sản xuất. Ảnh minh họa: Vinatex.

TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, 3 công cụ để kiểm soát tỷ giá. Thứ nhất, tăng lãi suất. Hai là, bán USD ra và Ba là, hút tiền đồng về.

Doanh nghiệp nên ứng xử thế nào?

Trong bối cảnh thị trường hàng hóa và ngoại hối còn diễn biến phức tạp, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp cần chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương, để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi.

Mặt khác, doanh nghiệp nên đa dạng hóa các đồng tiền thanh toán quốc tế, tránh việc chỉ sử dụng đồng USD.

Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu lớn, thường xuyên nên lựa chọn những ngân hàng có khả năng tài trợ thương mại tốt, cung cấp các dịch vụ phòng ngừa rủi ro hối đoái đơn giản, thuận lợi.

Các doanh nghiệp có thể sử dụng các hợp đồng hoán đổi (SWAP), hợp đồng mua bán kỳ hạn nhằm đảm bảo cho các hoạt động xuất, nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học, dài hạn. Điều đó sẽ tạo lòng tin cho ngân hàng tài trợ cũng như các khách hàng quốc tế, để có thể ứng phó được với bất cứ rủi ro thị trường nào, bao gồm cả đứt gãy chuỗi cung ứng, rủi ro lạm phát, tiền tệ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem