Quan hệ báo chí – doanh nghiệp không thể chỉ là mối quan hệ "làm phiền đến nhau"

Vũ Khoa Thứ năm, ngày 24/10/2024 11:05 AM (GMT+7)
Sáng 24/10, VCCI và Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin & Truyền thông tổ chức Diễn đàn "Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024".
Bình luận 0

Mối quan hệ tương hỗ cùng đóng góp phát triển kinh tế xã hội

Sự kiện năm 2024 gắn với chủ đề "Nâng cao chất lượng thông tin về kinh tế và doanh nghiệp trên báo chí".

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết Diễn đàn được tổ chức trong tháng 10, là thời điểm rất có ý nghĩa. "Đây là tháng chúng ta có kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

Cũng theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, môi trường truyền thông, báo chí là một phần của tổng thể môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Một môi trường truyền thông, báo chí lành mạnh là nền tảng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp, truyền cảm hứng kinh doanh trong xã hội, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả thông tin, tuyên truyền báo chí về kinh tế, về doanh nghiệp, doanh nhân, đảm bảo tính khách quan, trung thực, khích lệ tinh thần kinh doanh trong xã hội, hạn chế các hiện tượng tiêu cực và thông tin sai lệch, không chính xác ảnh hưởng đến doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng với cả hai phía doanh nghiệp và báo chí.

Qua đó, góp phần quan trọng vào việc kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng và xây dựng một nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn.

Quan hệ báo chí – doanh nghiệp không thể chỉ là mối quan hệ "làm phiền đến nhau" - Ảnh 1.

Diễn đàn "Báo chí và Doanh nghiệp đồng hành vì Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc năm 2024".

Tại Diễn đàn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng chủ đề của diễn đàn năm 2024 rất thiết thực trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới biến động nhanh, có nhiều diễn biến phức tạp đòi hỏi phải hiểu đúng, truyền thông đúng, kịp thời, chính xác và toàn diện.

Thông qua báo chí, người tiêu dùng biết đến thương hiệu Việt và sản phẩm của doanh nghiệp trong nước nhiều hơn, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, tình yêu, sự tin dùng với hàng Việt Nam, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp nước nhà.

Báo chí cũng là kênh phản ánh những thông tin từ xã hội và người tiêu dùng trong nước với doanh nghiệp, góp phần giúp doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường đầy đủ, điều chỉnh chính sách kinh doanh và ra quyết định phù hợp.

Ở góc độ khác, báo chí đã và đang là cầu nối hiệu quả, kịp thời cho doanh nghiệp và Nhà nước. Thông qua các thông tin phản ánh trên báo chí, các cơ quan chức năng có thêm kênh thông tin lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp một cách kịp thời, toàn diện hơn.

"Quan hệ báo chí và doanh nghiệp là quan hệ vừa phản biện vừa tương hỗ gắn bó" - ông Lê Quốc Minh cho biết.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm, lực lượng báo chí tại Việt Nam hiện nay có 806 cơ quan báo chí, 137 báo, hơn 70 đơn vị làm phát thanh truyền hình trong cả nước.

Lực lượng báo chí lớn này đã góp phần tạo ra lượng tin tức khổng lồ, mỗi một năm khoảng 49 triệu tin bài chỉ trên hạ tầng điện tử, sau đó lan tỏa thành hàng trăm triệu tin bài trên không gian mạng; sản xuất hơn 20 nghìn giờ phát thanh, hơn 50 nghìn giờ truyền hình phát song với nội dung đa dạng, bao gồm các thông tin kinh tế, doanh nghiệp.

Do đó, ông Lâm nhấn mạnh rằng, báo chí trước, trong và sau này là lực lượng thông tin chủ lực, dòng thông tin chính định hướng xã hội; tham gia phục vụ xã hội, cung cấp thông tin và tri thức, đồng thời tham gia vào quy trình ra quyết định của cá nhân và tổ chức.

Ông Lâm cho biết, với sự phát triển gần đây của truyền thông xã hội đã mang đến nhiều lựa chọn khác cho việc quảng bá thương hiệu, lan toả thông tin, tuy nhiên, dòng thông tin chủ lưu vẫn là báo chí. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, đội ngũ báo chí vừa phải làm nhiệm vụ chính trị, sứ mệnh trong một tình hình kinh tế mỗi lúc một khó khăn khi mô hình kinh doanh cũ của báo chí đang có nhiều thay đổi.

Duy trì tính cân bằng giữa báo chí - doanh nghiệp

Trong mọi thời điểm, mối quan hệ giữa báo chí - doanh nghiệp luôn là quan hệ đồng hành, cùng phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế còn tồn tại, ông Lê Quốc Minh đề cập nhiều bài báo về doanh nghiệp còn thiếu tính chuyên sâu, phân tích sâu sắc về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, dẫn đến thông tin về doanh nghiệp đến thị trường không đầy đủ, đôi khi còn có sai lệch.

Mặt khác, báo chí cũng chưa khai thác hết tiềm năng của mình trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Việc xây dựng mối quan hệ hợp tác bền vững giữa báo chí và doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác thông tin, tuyên truyền.

Quan hệ báo chí – doanh nghiệp không thể chỉ là mối quan hệ "làm phiền đến nhau" - Ảnh 2.

Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh.

Do đó, ông Lê Quốc Minh đề nghị các ý kiến thảo luận từ lãnh đạo các cơ quan báo chí, doanh nghiệp, các nhà khoa học làm sâu sắc hơn một số vấn đề, trong đó giải quyết vấn đề thông tin sai lệch, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, trong hành trình cùng phục vụ xã hội và người dân, lợi ích của báo chí và doanh nghiệp không song trùng và xung đột, làm giảm sút niềm tin của 1 bộ phận người đọc và làm mối quan hệ không được xây dựng trên cơ sở trong sáng và minh bạch.

Nhiều doanh nghiệp quy mô lớn chưa quan tâm nhiều đến công tác truyền thông, hình ảnh doanh nghiệp, dẫn đến việc giao dịch giữa doanh nghiệp và báo chí là những thương vụ đơn lẻ, từ đó làm giảm tính hấp dẫn và hiệu quả.

Trong khi đó, có một bộ phận báo chí nhìn vấn đề theo hướng tiêu cực, tạo sức ép với doanh nghiệp, gây áp lực lên các cơ quan quản lý quản lý phải tìm hiểu chi tiết, xử lý các thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng.

Bên cạnh những doanh nghiệp làm tốt quan hệ với báo chí và có tầm nhìn dài hạn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức đầy đủ, thường nhắm đến lợi ích nhóm trước mắt làm mối quan hệ báo chí – doanh nghiệp có nguy cơ lệch hướng và phức tạp.

Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, hai bên phải tìm kiếm sự thiếu hụt của nhau và bù lại cho nhau những giá trị bằng những phương thức hợp tác khác, không thể chỉ là mối quan hệ "làm phiền đến nhau" hoặc "bên này nghĩ bên kia quan trọng hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem