Lễ viếng, truy điệu 13 liệt sĩ hy sinh ở trạm 67 khi cứu nạn Rào Trăng 3
Lễ viếng, truy điệu 13 liệt sĩ hy sinh ở trạm 67 khi cứu nạn Rào Trăng 3
Nhóm PV
Chủ nhật, ngày 18/10/2020 06:37 AM (GMT+7)
Tang lễ 13 liệt sĩ hy sinh ngày 13/10 ở Trạm bảo vệ rừng 67 khi đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ở công trình thủy điện Rào Trăng 3 được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 268 (phường Thuận Lộc, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) sáng nay 18/10.
Lúc 13h30, đoàn xe tang nối đuôi nhau đi ra Bắc. Người dân đứng hai bên đường tiễn biệt 13 cán bộ hy sinh khi làm nhiệm vụ. Trên xe chở linh cữu ngoài người nhà còn có các chiến sĩ quân đội làm nhiệm vụ giữ linh cữu không bị rung lắc. Dự kiến việc di quan sẽ kết thúc lúc 13h.
11h20, Lễ di quan bắt đầu.
Từng tốp tiêu binh đưa quan tài lên xe của quân đội chờ sẵn để đưa thi hài liệt sĩ về quê nhà. Liệt sĩ đầu tiên được di quan là thiếu tướng Nguyễn Văn Man.
Khi cỗ áo quan càng đến gần chiếc xe, tiếng khóc càng lớn dần. Người thân của liệt sĩ Nguyễn Văn Man khóc ngất gần cỗ áo quan. Tiếp theo sau là 12 liệt sĩ còn lại cũng được di quan về quê nhà.
Sau hơn hai tiếng tang lễ, hàng trăm người vẫn tiếp tục xếp hàng chờ vào viếng, trong đó có nhiều người dân Huế đến để tiễn đưa các liệt sĩ.
Khoảng 10h30, Ban tổ chức tuyên bố ngừng viếng để tiến hành Lễ truy điệu. Tên của từng liệt sĩ được điểm lại cùng quá trình công tác, cống hiến cho Tổ quốc.
“Mệnh lệnh từ trái tim, từ phẩm chất cao cả của bộ đội Cụ Hồ đã giúp đoàn công tác vượt núi băng rừng đến trạm kiểm lâm 67. Đây là tổn thất vô cùng to lớn với quân đội, sự hy sinh của các đồng chí đến từ việc đặt nhiệm vụ lên trên hết. Trong giờ phút thiêng liêng này, xin tiễn đưa 13 đồng chí”, đại diện Ban Tổ chức lễ tang đọc điếu văn.
Lễ viếng 13 chiến sĩ, cán bộ không chỉ có những người mặc áo lính mà còn nhiều cơ quan, đơn vị. Những đoàn người nối nhau bước vào trong nhà tang lễ trang nghiêm. Những vành khăn tang phủ kín từ trong nhà tang lễ lẫn ngoài sân. Gia quyến các chiến sĩ đã mất bật khóc trước những cái bắt tay chia sẻ, đau xót khi người đến viếng đặt tay lên linh cữu của người thân mình. Ngay cả những người lính cũng không thể cầm được nước mắt khi nhìn vào di ảnh những người đồng đội.
Đoàn Đảng ủy, Hội đồng nhân dân Thừa Thiên Huế do đồng chí Bí thư Lê Trường Lưu dẫn đoàn vào viếng 13 liệt sĩ.
Đoàn Quân uỷ Trung ương Bộ Quốc phòng do Thượng tướng Phan Văn Giang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Uỷ viên Quân uỷ Quân ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu vào viếng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch và nguyên Bộ trưởng Phùng Quang Thanh gửi vòng hoa viếng.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dẫn đầu Đoàn Đại biểu Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu Lễ viếng. Lễ viếng bắt đầu từ 7h15.
Sáng sớm 18/10, Thượng tướng Phan Văn Giang – Tổng tham mưu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đồng chí, đồng đội đã gặp gỡ, động viên 13 gia đình liệt sĩ hy sinh trong quá trình tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn ở thuỷ điện Rào Trăng 3. Thượng tướng Phan Văn Giang đã thăm hỏi từng hoàn cảnh của 13 gia đình.
Sau lễ truy điệu, các liệt sĩ sẽ được đưa về. Thượng tướng Phan Văn Giang đồng ý với đề nghị của vợ liệt sĩ có nguyện vọng xin được vào phục vụ trong quân đội để có việc làm, sẽ giải quyết cho 3 trường hợp làm thủ tục, báo cáo Bộ Quốc phòng. Nhà nước cố gắng làm hết mình vì nhân dân, vì Tổ quốc, vì sự trường tồn của đất nước này. Sự mất mát của 13 liệt sĩ là không thể bù đắp được, Thượng tướng Phan Văn Giang cho biết.
Lễ viếng sẽ bắt đầu từ 7h đến 11h ngày 18/10, lễ truy điệu diễn ra từ 11h đến 12h, và từ 12h đến 13h ngày 18/10 tổ chức lễ di quan.
11 quân nhân sẽ tổ chức theo nghi thức lễ tang quân đội. 2 cán bộ của tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ tang theo quy định của địa phương.
Được biết, Thượng tướng Đỗ Căn - phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị - nhất trí cao với kế hoạch tổ chức tang lễ cho 13 cán bộ, yêu cầu ban tổ chức lễ tang tiến hành chu đáo, trang trọng nhất.
Trong quá trình tổ chức, các gia đình của liệt sĩ sẽ nhận được sự phối hợp, giúp đỡ chặt chẽ của cơ quan, quân sự và cấp ủy chính quyền địa phương.
Trước đó, ngày 12/10, đoàn công tác của UBND tỉnh TT-Huế và Quân khu 4 (QK4) đang chuyển lương thực cứu trợ cho bà con vùng lũ hai huyện Hương Trà, Phú Vang.
Khoảng 14h cùng ngày, ngay khi có điện báo sạt lở đất vùi lấp hơn 17 công nhân ở thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền), đoàn công tác đã băng rừng tiếp cận hiện trường để khảo sát, chỉ đạo công tác cứu nạn.
Do mưa lớn, đường khó đi, đoàn công tác ngủ lại trạm kiểm lâm 67. Rạng sáng 13/10, trạm kiểm lâm 67 bị sạt lở, 13 người trong đoàn cứu hộ bị lùi lấp.
Chiều 15/10, tất cả thi thể 13 cán bộ, chiến sĩ được tìm thấy tại điểm sạt lở trạm kiểm lâm 67.
Chiều 16/10, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã kí quyết định cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho 13 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi đi cứu hộ, cứu nạn tại thủy điện Rào Trăng 3.
Danh tính 13 liệt sĩ hy sinh như sau:
1. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4
2. Đại tá Nguyễn Hữu Hùng, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ, Cứu nạn, Bộ Quốc phòng
3. Trung tá Bùi Phi Công, Phó chủ nhiệm Hậu cần Quân khu 4
4. Trung tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó trưởng Phòng Tác chiến Quân khu 4
5. Thượng tá Hoàng Mai Vui, Phó trưởng Phòng xe máy - Cục Kỹ thuật Quân khu
6. Trung tá Lê Tất Thắng, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4
7. Trung tá Trần Minh Hải, Phó tham mưu trưởng, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế
8. Đại úy Tôn Thất Bảo Phúc, Trưởng Ban Công binh, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế.
9. Đại úy Nguyễn Cảnh Cường, Đại đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4
10. Thượng úy QNCN Đinh Văn Trung, Đài trưởng 15W, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4
11. Thượng úy QNCN Trương Anh Quốc,Nhân viên Điệp báo chiến dịch, Phòng Tham mưu, Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên-Huế.
12. Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền
13. Ông Phạm Văn Hưởng, Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền Cổng Thông tin điện tử Thừa Thiên Huế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.