Cáp quang biển liên tục đứt làm ảnh hưởng người dùng
Theo thông tin từ các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) trong nước, sự cố mới xảy ra trên tuyến cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) vào đêm 22/10 vừa qua được xác định xảy ra tại phân đoạn S1H.3 và S1H.4 trên nhánh cáp S1H, gây ảnh hưởng đến kết nối Internet từ Việt Nam đi Singapore và châu Âu.
Chỉ mới 12 ngày trước đó, sự cố trên nhánh S1B kết nối từ Hong Kong đi Singapore vừa mới được khắc phục. Ngoài sự cố vừa mới phát sinh trên tuyến cáp quang AAG còn một tuyến cáp quang biển khác là AAE-1 (Asia Africa Europe – 1) cũng đang bị lỗi tại phân đoạn S1H.3 và S1H.4 trên nhánh cáp S1H, gây ảnh hưởng đến kết nối internet từ Việt Nam đi Singapore và Châu Âu. Việc khắc phục được dự kiến đến ngày 14/11 mới hoàn thành.
Trước đấy, các tuyến AAE-1, APG cũng không dưới 2 lần gặp sự cố trong năm nay. Trong khi đó, đây là lần thứ 3 trong 5 tháng qua tuyến cáp quang biển AAG gặp sự cố. Đây là tuyến cáp quang quan trọng bậc nhất với tổng dung lượng lên đến 2.88 Terabit/s có tổng số vốn là 560 triệu USD. Tuyến cáp này cập bờ Việt Nam tại Vũng Tàu .
Ngoài tuyến cáp quang AAG, Việt Nam còn có 6 tuyến cáp quang khác bao gồm: APG (kết nối châu Á), SMW-3 (Trung Đông và Tây Âu), TGN – IA (Đông Nam Á), AAE-1 (Tây Á, châu Âu), TVH (Hong Kong, Việt Nam, Thái Lan).
Việc các tuyến cáp quang biển liên tục gặp sự cố gây ảnh hưởng rất lớn cho người dùng. Anh Nguyễn Văn Hưng, một chủ nhà hàng bức xúc cho biết: "Tôi quản lý nhà hàng từ xa qua hệ thống camera nhưng thời gian gần đây mạng rất chập chờn làm ảnh hưởng lớn đến công việc kinh doanh của tôi".
Trong khi đó, chị Tâm Đan có con đang họp lớp 3 cũng chung tâm trạng khi chất lượng mạng ảnh hưởng tới chất lượng buổi học của con: "Mạng nhà tôi liên tục chập chờn, rất khó để kết nói vào buổi học qua Zoom. Tôi phải tắt máy khởi động lại nhiều lần để cố gắng vào lại lớp cho con nhưng vẫn không được. Do đó nhiều hôm việc học của các con buộc phải kết thúc sớm”.
Người dùng phải chịu hậu quả
Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, DN, trường học đều phải làm việc và dạy học trực tuyến, mạng internet chậm đã gây thiệt hại không nhỏ đến DN, ảnh hưởng đến hiệu quả dạy và học. Để khắc phục sự cố đứt cáp, Viettel đã chủ động mở rộng dung lượng, tối ưu các hướng truy cập, ưu tiên kết nối để đảm bảo lưu thoát lưu lượng với các nhà cung cấp dịch vụ học trực tuyến (Microsoft Team, Google Meet, Zoom...).
Theo phản ánh của nhiều người dùng với phóng viên Dân Việt, các nhà mạng hầu như không có trách nhiệm hay động thái gì mỗi khi đứt cáp. Anh Minh Phúc - một nhân viên văn phòng (Hà Nội) phải làm việc tại nhà chia sẻ: "Tôi đã đóng gói cước trước 6 tháng, khi xảy ra đứt cáp chất lượng mạng nhà tôi bị giảm đáng kể, tuy nhiên tôi không nhận được thông báo nào từ phía nhà mạng và cũng không có bất kỳ động thái nào bồi thường cho những thiệt hại tôi phải nhận vì chất lượng mạng".
Chị Vũ Thị Dung (Đống Đa, Hà Nội) cho biết từng gọi điện lên tổng đài CSKH của nhà mạng để khiếu nại thì nhận được câu trả lời đây là sự cố bất khả kháng và mong được sự thông cảm.
Tuy nhiên, trong các hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông hiện nay, sự cố “đứt cáp quang” hoặc “đứt cáp ngầm” được quy định là trường hợp hoặc sự kiện bất khả kháng (do tác động của thiên nhiên…) nên người dùng rất khó để có thể khiếu nại hay kiện nhà cung cấp. Nhưng sự cố này xảy ra thường xuyên và liên tục khiến khách hàng khó lòng cảm thông nếu không được đền bù, giảm cước dịch vụ.
Giải pháp san tải của các nhà mạng qua các tuyến cáp khác thay thế trong số sáu tuyến cáp hiện nay có thể giảm thiểu được thiệt hại cho người dùng. Nhưng có vẻ việc này chưa được thực hiện thật tốt.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.