Lần đầu tiên tôi gặp ông Carlyle Thayer – Giáo sư của Học viện Quốc phòng Australia - trong một Hội nghị Việt Nam học lần thứ 5 diễn ra tại Hà Nội. Người đàn ông phương Tây ấy có vóc dáng không quá cao to, tóc bạc và khuôn mặt hiền từ. Có lẽ, cũng vì trạc độ tuổi nhau nên chúng tôi nhanh chóng bắt chuyện. Nét đặc trưng nhất ở Carlyle Thayer là sự điềm tĩnh của một vị giáo sư chính trị. Những vấn đề ông nói về Việt Nam, về Biển Ðông và về quan hệ đa phương trên trường quốc tế đều rất khách quan và tuyệt nhiên không giả định. Carlyle Thayer không mập mờ, chính kiến của ông rất rõ ràng, quan điểm chuẩn mực và đặc biệt là hiểu biết vô cùng sâu rộng về Việt Nam.
Tác giả cùng Giáo sư Carlyle Thayer. Ảnh: T.L
Carlyle Thayer có rất nhiều bạn bè là người Việt, ông quen biết nhiều tầng lớp người Việt và có thể vì thế ông hiểu hết cả những góc khuất trong dòng chảy cuộc sống của người Việt, không chỉ là những vấn đề chính trị mà ông dày công nghiên cứu.
Sau lần đầu gặp gỡ ấy, tôi quan tâm nhiều hơn đến vị giáo sư khiêm nhường này. Ðược biết, ông có tên đầy đủ là Carlyle Alan Thayer, sinh ra tại thành phố Nevada, tiểu bang California (Mỹ); là con trai của một sĩ quan Lục quân Mỹ. Ông từng sống ở Ðức, Pháp, Ðài Loan... Ông học cấp 3 tại Trường Trung học Guilderland Central ở tiểu bang New York trong 3 năm, sau đó ông theo cha thuyên chuyển đến Puerto Rico và tốt nghiệp Trường Trung học Antilles tại San Juan. Năm 1967, ông Thayer tốt nghiệp Ðại học Brown, chuyên ngành khoa học chính trị. Giai đoạn 1967-1968, ông làm tình nguyện viên tại Việt Nam Cộng hoà theo chương trình của tổ chức phi lợi nhuận Mỹ International Voluntary Services.
Từ năm 1976, Carlyle Thayer về giảng dạy tại Viện Công nghệ Bendigo ở Bendigo, tiểu bang Victoria, Australia. Năm 1979, ông chuyển đến Ðại học New South Wales, ban đầu công tác tại khoa Nghiên cứu quân sự thuộc Trường Quân sự Hoàng gia ở Duntroon. Năm 1986, ông chuyển sang University College, ADFA - một nhánh của Ðại học New South Wales và công tác tại đây cho đến nay.
Câu trả lời bất ngờcủa Tổng Bí thư
Lần thứ 2 tôi gặp lại Carlyle Thayer cũng nhân một hội nghị về Việt Nam học, các nhân sĩ trí thức được hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong lần đó, Giáo sư Carlyle Thayer đã đặt câu hỏi với nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam rằng: “Ngài đánh giá về tình hình Biển Ðông hiện nay như thế nào?”. Trong phần trả lời, Tổng Bí thư có nói: “Tôi nghĩ những điều ông hỏi tôi, ông đã có cách trả lời của riêng ông rồi…”. Câu trả lời sắc sảo của Tổng Bí thư cũng đã đánh giá rằng, Carlyle Thayer thực sự là một chuyên gia về Biển Ðông.
Giáo sư Carlyle Thayer trong 1 buổi hội thảo về vấn đề Biển Đông, tháng 3.2015. Ảnh: I.T
Quả thực như vậy, với những ai từng biết đến Carlyle Thayer đều rất muốn gọi ông với cái tên gần gũi “ông già Biển Ðông”. Trong sự nghiệp của mình, ông Thayer từng có những nghiên cứu tại nhiều trung tâm trực thuộc các trường đại học trên thế giới, từng là quan sát viên chính thức của Liên Hợp Quốc trong các cuộc bầu cử ở Campuchia. Ông biết nói tiếng Thái, tiếng Lào và tiếng Việt. Song, dường như trong các chủ đề mà Thayer quan tâm nghiên cứu, có nhiều vấn đề liên quan đến Việt Nam, bao gồm chính trị, vai trò của quân đội và chính sách đối ngoại.
Ðặc biệt trong nhiều năm gần đây, những bài viết của ông về Biển Ðông và lẽ phải của Việt Nam trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền được đăng tải dày đặc không chỉ trên báo Việt Nam mà trên những tờ báo chính trị hàng đầu thế giới.
Với vấn đề Biển Ðông và giải pháp của Việt Nam, ông Carlyle Thayer luôn nhấn mạnh rằng, Việt Nam đã hành động đúng khi không leo thang đáp trả các gây hấn từ phía Trung Quốc. Việt Nam đã đúng khi giữ tàu chiến hải quân ở đất liền, tránh không đụng độ tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Dù lực lượng cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư của Việt Nam đã làm công việc rất tốt để phản đối hành động của Trung Quốc, một điều rõ ràng là cả hai lực lượng này cần được hiện đại hóa và mở rộng trong những năm tới.
Quý trọng Việt Nam
Qua những lần nói chuyện với Carlyle Thayer, tôi chưa thể kết luận về tình cảm mà ông dành cho Việt Nam, nhưng có điều dễ nhận thấy nhất trong từng lời nói của ông dành cho Việt Nam đó là sự quý trọng và sự trăn trở của cá nhân ông.
Ông Carlyle Thayer cho rằng, Trung Quốc đã có chiến lược rất tinh vi, bằng việc sử dụng các giàn khoan dầu mỏ, các tàu chấp pháp mang mác dân sự, tàu chiến và máy bay để áp đặt các tuyên bố chủ quyền của mình tại Biển Ðông. Trung Quốc sẽ không từ bỏ chiến lược này trong tương lai và Việt Nam phải chuẩn bị để đối phó với những chiến lược tương tự.
Ông cho rằng, Việt Nam nên thiết lập một mạng lưới để có thể phản ứng ngay tức khắc với các tuyên truyền của Trung Quốc. Việt Nam nên nghiên cứu về các kênh truyền thông hay trang mạng lớn nào có thể tiếp cận khi cần trong tương lai. Việt Nam đồng thời phải tăng hơn nữa các nỗ lực theo dõi đường biên ở các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.
Ông cũng “mách nước” rằng, Việt Nam cần thông tin đầy đủ về các vụ việc xẩy ra trên Biển Ðông cho các nước thành viên ASEAN, đồng thời tiếp tục yêu cầu Trung Quốc mở đối thoại về vấn đề này. Ngoài ra, Việt Nam cần vận động các đối tác đối thoại của ASEAN, kêu gọi sự ủng hộ về ngoại giao và chính trị của họ. Tranh chấp hiện nay phải được nêu ra tại tất cả các cuộc họp của các hiệp hội đa phương ASEAN.
Cứ như vậy, giờ đây hiển nhiên, trong các cuộc hội thảo trên thế giới về Biển Ðông, cái tên Carlyle Thayer đều được nhắc đến và bản thân ông cũng luôn có những nhận định rất “đắt giá” tại những hội thảo này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.