Câu chuyện của ông chủ 20.000 con lợn rừng

Trần Quang (Trang Trại Việt) Thứ hai, ngày 30/05/2016 19:00 PM (GMT+7)
Sở hữu trang trại chăn nuôi gần 20.000 con lợn rừng và 5.000 gà rừng, ông Hoàng Thắng - Giám đốc điều hành Trang trại lợn rừng NTC đã tạo nên sự khác biệt nhờ khai thác hiệu quả nguồn thức ăn tự nhiên, dùng cây thuốc nam chữa bệnh cho vật nuôi.
Bình luận 0

Bí quyết nuôi lợn “độc nhất vô nhị”

Trang trại lợn rừng NTC được đánh giá là một trong những trang trại chăn nuôi hữu cơ lớn nhất Việt Nam, vì sao ông lại chọn hướng đi này? 

- Tôi sinh ra và lớn lên trên quê lúa Thái Bình, cũng trải qua nhiều nghề và gặp không ít thất bại, nhưng cuối cùng tôi lại chọn chăn nuôi con lợn rừng đặc sản theo quy trình sạch, bởi đây là loài thị trường đang có nhu cầu rất cao.

Làm chăn nuôi sạch đâu có dễ,  ông đã bao giờ phải nếm “trái đắng” chưa?

- Đầu tháng 8.2008, chúng tôi bắt tay vào khởi công xây dựng trang trại nuôi lợn, gà, trồng rau rừng với diện tích 60ha tại xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình) với tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu là 8 tỷ đồng, trong đó 6 tỷ đồng là mua đất và thuê đất, 1 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi lợn rừng, gà rừng, 1 tỷ đồng còn lại mua lợn giống.

Không thể ngờ được rằng, chúng tôi nhận “trái đắng” nhanh đến thế, hơn 100  con lợn rừng hậu bị dòng F1 thuần chủng mới nhập về từ  Thái Lan, sau 7 tháng thả nuôi đã bị chết gần 70%, cả tỷ đồng bỗng chốc “bốc hơi”.

img

Trang trại quy mô 15ha mới được xây dựng tại thị trấn Đông Anh (Hà Nội) sẽ là nơi nuôi, nhân giống giun quế (thức ăn của lợn rừng) lớn nhất cả nước của Trang trại lợn rừng NTC.Ảnh: Q.T

Vừa làm đã thất bại cay đắng, điều gì khiến ông vẫn tự tin đầu tư tiếp?

- Sau lần thất bại đó, tôi đã tìm ra được nguyên nhân là do không nắm bắt được khoa học, kỹ thuật và không có kinh nghiệm chăn nuôi lợn rừng thực tế nên không khống chế được dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy, đường hô hấp…

Khi đó chúng tôi đã quyết định dừng hoạt động trang trại 3 tháng để tập trung nghiên cứu tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi lợn rừng. Trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, cán bộ trang trại gặp rất nhiều khó khăn. Vì ở thời điểm đó, Việt Nam mới chỉ có 3 – 4 mô hình trang trại nuôi lợn rừng với quy mô nhỏ. Họ cũng không nắm bắt được công nghệ khoa học hay kỹ thuật nuôi lợn rừng. Đặc biệt là việc mời các nhà khoa học, giáo sư, chuyên gia tư vấn về kỹ thuật nuôi lợn rừng cũng gian nan, vì ở giai đoạn này nuôi lợn rừng mới nằm trong các đề tài khoa học, các dự án nghiên cứu chứ chưa có mô hình nuôi lợn rừng quy mô lớn có hiệu quả. Tuy nhiên, sau 3 tháng cố gắng nỗ lực tìm hiểu và được sự tư vấn của các nhà khoa học, chuyên gia, đặc biệt là các lương y đã tư vấn, hỗ trợ việc điều trị căn bệnh tiêu chảy của lợn rừng bằng thuốc nam, chúng tôi mới có thể tự tin bắt tay làm lại từ đầu.

Sau khi đã tìm ra được giải pháp, tôi quyết định đầu tư giai đoạn 2 với quy mô lớn hơn bằng việc mua 500 con lợn rừng hậu bị F1 thuần chủng Thái Lan về nuôi. Sau 7 tháng chăm sóc, đàn lợn rừng vẫn khỏe mạnh, đạt trọng lượng xuất chuồng, đặc biệt là chúng tôi đã phòng ngừa dịch bệnh thành công nhờ cho lợn ăn lá thuốc nam.

Lợi nhuận hàng chục tỷ mỗi năm

Như vậy, không phải tiền mà là khoa học kỹ thuật đã giúp ông gặt hái thành công. Đến nay, trang trại hoạt động như thế nào, thưa ông?

- Đến nay, trang trại đã đi vào hoạt động ổn định được 9 năm, với quy mô thời điểm này là trên 20.000 con lợn rừng, 5.000 con gà rừng. Mỗi năm cung cấp cho các khách sạn, nhà hàng cao cấp trong nội thành Hà Nội hàng nghìn con. Lợi nhuận trung bình của trang trại đạt trên dưới 50 tỷ đồng/năm.

Không chỉ thành công trong chăn nuôi lợn rừng, gà rừng, trang trại cũng đã phát triển thành công mô hình rau rừng hữu cơ với diện tích khoảng 5ha. Mỗi năm, trang trại cung cấp cho thị trường hàng nghìn tấn rau hữu cơ như chùm ngây, rau càng cua, rau mỏ, bò khai, rau dớn, hoa chuối rừng, măng rừng…

Phần lớn sản phẩm của Trang trại NTC hiện vẫn cung cấp cho thị trường nội địa, ông đã tính đến con đường “xuất ngoại” chưa?

- Hiện, sản phẩm lợn rừng sạch của chúng tôi vẫn không đủ cung ứng cho thị trường trong nước. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã thử nghiệm xuất khẩu một sản lượng nhỏ sang các nước Đông Nam Á để thăm dò thị trường. Những lô hàng đầu tiên đã rất thành công, được bạn hàng đánh giá cao.

“Thắng” bằng liên kết chăn nuôi

Ông có tự tin sẽ thành công và sản phẩm đủ sức cạnh tranh khi nước ta gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP)?

- Theo tôi, TPP là một sân chơi lớn và sòng phẳng, đây là sân chơi không dành cho kiểu làm ăn chụp giật, manh mún. Có nghĩa là cần phải làm ăn lớn, uy tín mới có thể cạnh tranh được với bạn hàng khắp thế giới. Với cá nhân và trang trại của tôi, hiện tại đang đi đúng hướng, dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng chúng tôi sẽ không chỉ vượt qua được mà còn phát triển mạnh mẽ.

Quan điểm của tôi là không ngồi chờ TTP thế nào rồi tính, mà phải chủ động đầu tư dựa trên tiềm năng lớn của thị trường thực phẩm sạch. Vì thế, ngoài việc đầu tư vào 2 trang trại chăn nuôi chính tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất (Hà Nội) và xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn (tỉnh Hòa Bình), tôi mới xây dựng thêm một trang trại quy mô 15ha tại thị trấn Đông Anh (Hà Nội).

Ông vẫn đầu tư trực tiếp hay liên kết với nông dân để tạo vùng nguyên liệu lớn?

- Đương nhiên, liên kết là xu hướng tất yếu hiện nay. Trang trại của tôi cũng đang thực hiện dự án liên kết với bà con nông dân cùng nuôi lợn rừng, gà rừng, trồng rau rừng theo hình thức cung cấp giống cho bà con. Hiện, trang trại của tôi đã phối hợp liên kết chăn nuôi với 230 hộ dân ở 15 xã tại 4 huyện của Hà Nội như các xã Xuân Giang, Minh Trí, Minh Phú (Sóc Sơn) hay xã Khánh Thượng, Đồng Thái (Ba Vì)… Qua việc liên kết chăn nuôi với chúng tôi, nhiều hộ dân đã thoát nghèo, mạnh dạn đầu tư làm ăn lớn, nhiều hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Xin cảm ơn ông! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem