Câu chuyện nhỏ về dòng sông lớn

Thứ sáu, ngày 04/02/2011 06:03 AM (GMT+7)
Dân Việt - Phiên bản bức tranh của danh họa người Nga I. Rêpin đang nằm trên bàn làm việc của tôi. Cái mà I. Rêpin thực sự vẽ, không phải là sông Volga, cũng không phải chiếc thuyền, càng không phải những người kéo thuyền. Mà cái ông vẽ chính là sợi dây thừng xoắn vặn đè nặng lên ngực những kiếp người nhọc nhằn kiếm sống bên một dòng sông...
Bình luận 0

Sông Volga được bắt nguồn từ cao nguyên Valdai, rồi đổ vào biển Caspi, hình thành nên một vùng châu thổ với diện tích 19.000km2. Trong thời kỳ Kazan sụp đổ và Astrakhan quy phục Sa hoàng, trước cả khi người Nga mở mang tuyến đường thủy trên dãy Ural, thì ở vùng Siberi giàu có với những bộ lông thú, của các quốc gia Trung Á, đã được những đoàn thuyền buôn lớn chất đầy hàng hóa và được bảo vệ nghiêm ngặt bởi những cung thủ.

 img
Bức tranh "Những người kéo thuyền trên sông Volga" của họa sĩ Rêpin.

Lúc này Volga trở thành tuyến đường thủy huyết mạch của nước Nga thông thương với phương Đông. Những năm sau này, khoảng thế kỷ 16-17 người dân bên bờ sông Volga cũng học được cách tự đóng những chiếc thuyền nhẹ và bền chắc. Đặc biệt là những thuyền ba buồm có người kéo trên bờ, những chiếc thuyền chạy dọc trên sông Volga từ thế kỷ 17 cho đến tận bây giờ.

Gặp lúc thời tiết thuận lợi, lộng gió, họ giương cao những cánh buồm lợi dụng gió đẩy thuyền đi, còn khi thời tiết không thuận lợi, họ dùng sức của những người lao động để kéo thuyền ngược dòng, những công việc cực kỳ vất vả...

Không hiểu Rêpin đã phải phác họa bao nhiêu cảnh, bao nhiêu chân dung những người thợ thuyền kiếm sống hai bên bờ sông để dựng tác phẩm của mình. Có một điều chắc chắn là Rêpin đã phải làm việc rất nhiều, một sự lao động miệt mài, nghiêm túc, và vất vả cũng chả kém gì những người kéo thuyền trên sông là mấy…

Tôi thực sự không hiểu để vẽ "Những người kéo thuyền trên sông Volga", I. Rêpin đã phải tốn bao nhiêu thời gian mới thâm nhập vào đời sống lam lũ vất vả của người dân kiếm sống hai bên bờ con sông này... Riêng phần thể hiện tác phẩm, Rêpin đã phải mất tới 3 năm mới hoàn thành. Nói tới điều này làm tôi liên tưởng đến bức "Chúa xuất hiện trước dân chúng" của Ivanop đã phải mất tới hơn 20 năm mới xong.

Tuy nhiên giá trị của tác phẩm không nằm ở chỗ nó được vẽ trong bao nhiêu lâu, càng không phải nó được thực hiện bằng chất liệu gì, nhưng chí ít nó cũng nói với chúng ta một điều về sự công phu, cẩn trọng trong việc cho ra đời một tác phẩm nghệ thuật. Đành rằng tôi cũng biết ở bên bờ sông Hồng quê tôi, có nhiều người "chế" tranh nhanh hơn rửa ảnh.

Và với "Những người kéo thuyền trên sông Volga", người ta đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để mổ xẻ, phân tích về nó. Đúng sai thế nào tôi không bàn ở đây. Nhưng thành thật mà nói, nó là tác phẩm hội họa mang đậm dấu ấn hiện thực nhất về người dân sống hai bên bờ sông Volga nói riêng, và những tầng lớp lao động Nga thời bấy giờ nói chung. Hiện thực của một thời vẫn còn hiển hiện trong tranh của Rêpin cho tới tận bây giờ. Nó giúp chúng ta hiểu rõ về nước Nga, về thiên nhiên và con người Nga mà không cần dùng một từ nào để giải thích. Sức mạnh của bức tranh nằm ở chính sự thật mà nó miêu tả.

Có thể mọi điều người ta nói về bức tranh đều trở thành vô nghĩa, nếu như bạn có dịp chiêm ngưỡng bức tranh này. Hãy để cặp mắt sắc sảo của bạn mách bảo với bạn về giá trị đích thực cũng như vẻ đẹp thực sự của bức tranh...

Hà Nội mùa đông 2010
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem